Trên đảo Hòn Ngang - Ảnh: Tiến Trình |
Kết giao với hải tặc
“Gần 80 năm ở vùng này, sóng gió gì tui chưa qua”, cụ Tiết Thị Nhớ - người sống bên cạnh “thế hệ huyền thoại” của quần đảo Bà Lụa, cũng là người lớn tuổi nhất quần đảo, người có công góp phần khai phá đảo Hòn Ngang - bảo bây giờ đi biển là đã “sướng” hơn ngày trước rất nhiều. Như cụ, đã 93 tuổi, mùa biển động ầm ầm, người yếu đi biển ngất lên ngất xuống thì cụ vẫn tỉnh rụi.
Cụ Nhớ biết đến sóng gió biển cả từ rất nhỏ, khi theo cha, ông Tiết Kệ Lìl, giương buồm hướng ra vùng biển mờ xa về hướng tây nam. Là người giỏi võ, hay chữ, lại biết ít nhiều thuốc thang trị bệnh, thế nhưng ông Lìl không ra làm quan, cũng chẳng theo đảng cướp. Ông âm thầm dẫn con cái, bạn hữu đi tìm những hòn đảo mới. Chính sự hiền từ, chịu khó, không đua tranh mà ông Lìl càng được nhiều nể trọng của người dân từ đất liền đến hải đảo.
Bà Nhớ nói, thời điểm đi tìm sự sống ở các đảo hoang, thỉnh thoảng lại gặp những người “nói tiếng lạ”, có lẽ họ cũng đi tìm đảo mới để sinh sống như mình. Biết có người đến trước, họ lặng lẽ bỏ đi. Tìm ra tới Ba Hòn Đầm, ông Lìl lại gặp ông Tăng Văn Lộc, một trong những tướng cướp trứ danh của đảng cướp Cánh Buồm Đen hoạt động vùng biển quanh quần đảo Hải Tặc. Lúc này, ông Lộc đã giải nghệ, về cắm một mảnh đất ở đây làm chốn dung thân. Hai hổ gặp nhau, người ta lo ngại sẽ có một cuộc tỷ thí sống còn để phân chia cao thấp, tranh giành ảnh hưởng, đất đai. Nhưng không. Nhận ra người quân tử, ông Lộc nhường cho ông Lìl một miếng đất đẹp ở hòn Đầm Dương. Cả hai kết tình bằng hữu, hoạn nạn có nhau.
Được “kỷ niệm” miếng đất tại Ba Hòn Đầm, nhưng ông Lìl không cất nhà sinh sống mà đưa vợ con trở lại Hòn Ngang khai hoang, trồng dừa để vừa là nguồn dinh dưỡng, vừa là nguồn nước ngọt qua những cơn thắt ngặt. Thỉnh thoảng chài lưới qua Ba Hòn Đầm, ông lại ghé bầu bạn với ông Lộc. Họ dặn nhau giữ gìn những hòn đảo quý giá cho đời con cháu, tuyệt nhiên không sang bán cho ai.
Hòn Ngang chỉ nhỏ hơn Hòn Heo, dư sức để ông khai hoang, chia cho 10 người con. Sau gia đình họ Tiết đến đây khai hoang, lập xóm, dù còn khó khăn về nguồn nước, nhưng đảo là điểm hay ghé của các tàu ghe qua lại mỗi khi hoạn nạn, khó khăn. Bởi Hòn Ngang không bị quản lý bởi chính quyền đô hộ như Hòn Heo.
Tuổi xuân sóng gió
Ở tuổi 93, nhưng bà Tiết Thị Nhớ vẫn rong ruổi khắp nơi từ các đảo đến vào đất liền |
Bà Nhớ nói, ba của bà rất nghiêm khắc với các con. Mỗi người con họ Tiết lớn lên chí ít cũng phải biết được những kỹ năng cần thiết để sống sót trên vùng biển đảo. Ở tuổi mới lớn, là con gái, nhưng bà phải cầm chèo căng buồm ra khơi chài lưới. Không chỉ quẩn quanh quần đảo Bà Lụa, mà tay chèo của bà đã qua khắp vùng vịnh Tây Nam. Quần áo không lành để mặc, nắng gió đen đúa chẳng khác nào con trai. Được cha huấn luyện, bà Nhớ chẳng bao lâu trở thành người đi biển giỏi. Vừa chài lưới, thỉnh thoảng gặp đảo mới chưa có người thì họ cứ cập xuồng vào để tìm nguồn nước, nhưng kết quả đều không như mong đợi.
Tháng ngày nắng gió trên biển khiến người con gái nhan sắc cũng quên đi những rạo rực đầu đời. Cho đến khi cha đồng ý gả bà cho một ngư dân đánh câu kiều, khi người này ghé đảo để phơi cá. Con gái xứ đảo heo hút có chồng cũng đơn giản như thế. “Lúc có chồng tui cũng đẻ nhiều lắm, nhưng chết cũng nhiều. Giờ còn 5 đứa thì phải. Ờ, 3 gái 2 trai”.
Tuổi tác lại thoáng qua trong trí nhớ bà cụ, để rồi bà lại trở về cái thời ngang dọc, khốn khó. Đó là những năm kinh tế bao cấp. Dân đất liền còn khó khăn, dân đảo càng khó khăn bội lần. Vì chính quyền thời đó không cho dự trữ lương thực, mà mỗi lần được mua gạo phải vào tận Hà Tiên. Có lần biển động, gạo trên các đảo đã hết, lại không có tàu để vào đất liền mua… dân đảo phải lên rừng đào khoai rạng ăn trừ cơm. Bám trụ khó khăn như thế, nhưng không ai rời bỏ đảo.
Bà Nhớ nói thế hệ của bà thừa kế trách nhiệm giữ gìn hòn đảo của cha bà. Rồi thế hệ con cháu bà cũng thế. Họ chứng kiến nhiều lớp người đến rồi đi vì nhiều lý do. Có lúc hòn đảo như quá nhỏ bé trước dòng người lưu xứ lánh nạn chiến tranh. Thế rồi, hòn đảo cũng trở lại là nơi cưu mang những người gắn bó máu thịt với nó. Bệnh tật, người ta có thể vào đất liền. Nhưng lâu dài, thế hệ cháu chắt của bà không thể cam phận dốt. Bà Nhớ khuyến khích các cháu hướng về đất liền tìm cái chữ, học càng cao càng tốt. Và trong những người cháu của bà, có người cũng đã thành đạt từ học vấn. Đã có người là lãnh đạo huyện, có người là cán bộ cấp cao ở Hà Nội. Họ là biểu tượng để thế hệ sau trên đảo nuôi chí vươn xa.
Thế nhưng, cũng có những người phát hoảng lên khi nghe nhắc đến chuyện rời đảo. Len qua khu nhà khang trang, chằng chịt dưới những tán cây, ông Được, con bà Nhớ nói người ta mong muốn nhất là có được cuộc sống an nhiên. Trên hòn đảo này, vợ chồng, con cháu của ông đang có cuộc sống an nhiên, hạnh phúc. Khi cần thì đi tàu vào đất liền. Giống như bà Nhớ, thỉnh thoảng lại cỡi sóng đi thăm chị em, con cháu. Được khen, bà Nhớ khỏa tay: “Vất vả đã làm cho mình khỏe lên như vậy”.
Tiến Trình
>> Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 1: Hiệp sĩ mù trên 'đảo ma'
Bình luận (0)