Góp ý mô hình chính quyền địa phương: Dân phải là số một

29/08/2013 03:05 GMT+7

Ngày 28.8 tại TP.HCM, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý chế định Chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp năm 1992.

Trong nhiều năm nay, khi bàn về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Khác với những lần thảo luận trước, khi có nhiều ý kiến khác biệt về sự lựa chọn giữa các phương án, hầu hết các ý kiến nêu lên trong buổi thảo luận lần này đều cơ bản hướng đến việc cần phải khắc phục được những hạn chế, khiếm khuyết, bất cập của cơ chế, chính sách hiện nay để tạo động lực phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững.

 Góp ý mô hình chính quyền địa phương: Dân phải là số một
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa) trao đổi với các đại biểu - Ảnh: Dũng Việt

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, CQĐP là một thành tựu của dân chủ và CQĐP không thể hình thành nếu thiếu sự tham gia của người dân (thông qua đại diện là HĐND). Đề cập về kết quả thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định: “Tiếng nói dân chủ, quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng, vì họ vẫn có người đại diện là các tổ đại biểu HĐND cấp TP”.

 

Dù thay đổi như thế nào đi chăng nữa nhưng rốt cuộc thì vẫn phải trả lời được câu hỏi người dân được lợi gì? Cuộc sống người dân có thuận lợi hơn không?...

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND TP.Hà Nội đặt ra vấn đề cần xem xét lại cơ cấu tổ chức để làm sao cho quyền đại diện của người dân thật sự hiệu quả hơn, vì “nếu với cơ chế hiện nay thì HĐND hoạt động không hình thức mới là lạ”.

Phải trả lời được câu hỏi dân lợi gì ?

Một nội dung hết sức quan trọng được đặt ra là đối với CQĐP, mô hình nào để tạo động lực phát triển cho những đô thị lớn, có tính chất đặc thù như TP.HCM, đồng thời vẫn tạo được sự thống nhất về mặt hành chính quốc gia, lãnh thổ trên phạm vi cả nước. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng đây là vấn đề cần đổi mới căn bản nên cần thống nhất quan điểm tổ chức CQĐP chỉ 2 cấp với cơ chế phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách minh bạch. Điều này sẽ xóa được tình trạng dân chủ hình thức. “Mặt khác, việc tổ chức CQĐP 2 cấp sẽ tạo điều kiện tổ chức lại hệ thống chính trị tương ứng của mỗi cấp, tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện để cải thiện tiền lương cho cán bộ, công chức”, TS Lịch nhìn nhận. Theo TS Lịch, cách thức phân cấp như hiện nay “tạo cơ chế xin - cho, thiếu địa chỉ rõ ràng, đặc biệt vô cùng phức tạp về thủ tục hành chính nhưng lại tạo quá nhiều kẽ hở để tiêu cực”.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, tổ chức CQĐP 3 cấp hay 2 cấp bây giờ chỉ phụ thuộc vào quan niệm của chúng ta. “Chúng ta muốn xã hội lớn và nhà nước nhỏ thì có 2 cấp; còn nếu ta muốn chính quyền can thiệp nhiều hơn thì ta có 3 cấp. Hầu hết các nước đều có 2 cấp: cấp tỉnh ở trên và dưới là cấp cơ sở”, TS Dũng nói.

 

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, xây dựng chính quyền đô thị là sự ấp ủ, tâm huyết từ nhiều năm qua trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng nhằm tạo động lực cho TP phát triển nói riêng và cả nước phát triển nói chung.

Nói về mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đang xây dựng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết qua thực tiễn hoạt động của chính quyền, qua những yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của tuyệt đại đa số đại diện các tầng lớp nhân dân, TP.HCM xác định điều kiện lòng dân đã chín muồi.

Không đi sâu vào chi tiết các phương án nêu trong dự thảo nhưng bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM lại đề cập đến mục tiêu cần phải đạt được, “là dù với mô hình nào thì cũng phải xác định được việc sẽ phục vụ dân tốt hơn, bộ máy gọn nhẹ, không chồng chéo, bớt trung gian đối với những đô thị đặc thù và cần phân cấp rõ T.Ư - địa phương”.

“Dù thay đổi như thế nào đi chăng nữa nhưng rốt cuộc thì vẫn phải trả lời được câu hỏi người dân được lợi gì? Cuộc sống người dân có thuận lợi hơn không?...”, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM bày tỏ quan điểm. PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện cũng cho rằng: “Đối với người dân thì chỉ có một nhu cầu, đó là dù T.Ư hay địa phương đều phải cung ứng dịch vụ công tốt”.

Thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong những năm qua tốc độ đô thị hóa trên phạm vi cả nước ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là tại các đô thị lớn; các mặt kinh tế, xã hội… nói chung cũng đã phát triển nhiều nhưng cần phải có tầm nhìn xa. “Tình hình thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp. Hiện nay ta là chính quyền 4 cấp như nhau, ở đâu có HĐND thì có UBND. Thực tiễn lúc đầu là phù hợp nhưng bây giờ đất nước phát triển rồi, với trình độ khá cao nên đòi hỏi chúng ta phải có mô hình cho thích hợp để phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; phải thiết kế bộ máy hành chính hiện đại, có sức mạnh tinh gọn để đủ sức lãnh đạo, đủ sức phục vụ dân tốt hơn, mọi quyền lực thuộc về người dân”, ông Hùng nói.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, vấn đề quan trọng nhất là tìm mô hình phù hợp, còn việc để dân bầu chức danh này, chức danh kia thì sẽ tính sau. “Thị trưởng hay chủ tịch ủy ban không phải là quan trọng lắm. Vì chính quyền ta hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, không có chính quyền như là thị trưởng của họ đâu. Ủy ban nhân dân hay Ủy ban hành chính đều hoạt động theo chế độ tập thể, chủ tịch có quyền hạn chủ tịch, ủy ban có quyền hạn của ủy ban. Nhà nước ta tổ chức theo nguyên tắc ấy. Tên gọi không quá quan trọng nhưng quan trọng là quan hệ bên trong thế nào, phục vụ nhân dân thế nào”, ông khẳng định.

Đình Phú

>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hàn Quốc
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: 'Đút lót, tiêu cực... có bắt, có xử được mấy đâu
>> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đút lót, tiêu cực có bắt có xử được mấy đâu...
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Nên giảm thuế TNDN từ 1.7.2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.