Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 4: Thập Bát La Hán cổ tượng

30/08/2013 03:15 GMT+7

Cả hai bộ tượng Thập Bát La Hán (có niên đại từ khoảng 200 đến gần 300 năm) hiện đang được lưu giữ ở 2 trong 4 cổ tự của Hội An (Quảng Nam) là Phước Lâm và Chúc Thánh.

Nằm cách phố cổ Hội An hơn 2 km về phía tây bắc, hai chùa Phước Lâm và Chúc Thánh được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, khi người Hoa đến lập nghiệp ở Hội An, một trong những thương cảng trù phú lúc bấy giờ của Việt Nam. Họ đã lập một hệ thống những ngôi chùa, miếu, tổ đình để cầu nguyện mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp. Văn hóa Phật giáo cũng tiếp biến cùng văn hóa địa phương tạo nên những dòng tín ngưỡng tâm linh mang đậm phong cách dân gian, biểu hiện rõ nét ở kiến trúc đền chùa, miếu mạo… trong đó có các pho tượng Thập Bát La Hán được thờ trong gian chính điện của chùa hàng mấy trăm năm qua.

Các tượng trong bộ Thập Bát La Hán ở chùa Chúc Thánh - d
Các tượng trong bộ Thập Bát La Hán ở chùa Chúc Thánh - Ảnh: An Dy 

 

Mỗi khuôn mặt tượng thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người dân, mỗi con linh thú chở trên mình những phong tục, tập quán, những nét sinh hoạt rất đời thường

Hòa thượng Thích Hạnh Hoa

Trong giáo lý đạo Phật, các vị La Hán được xem là những người đã đạt được Tam minh, Lục thông và Bát giải thoát, vâng thừa giáo chỉ của Phật, kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc quần sanh. Khởi nguồn từ Ấn Độ thì chỉ có 16 vị, nhưng khi Phật giáo du nhập qua Trung Quốc, Việt Nam thì thành 18 - Thập Bát La Hán.

Hai bộ tượng quý

Đầu tiên phải kể đến bộ tượng Thập Bát La Hán làm bằng đất nung ở chùa Phước Lâm. Theo hòa thượng Thích Hạnh Hoa (trụ trì đời thứ 11 của chùa Phước Lâm) thì đây là độc bản tượng với gần 300 năm tuổi. Tượng cao khoảng gần 20 cm, được sơn thếp tinh xảo, cầu kỳ. Mỗi vị La Hán đều cưỡi trên lưng một con thú và được đặt trên chiếc đế bằng gỗ.

Kế đến là bộ tượng cũng bằng đất nung được lưu giữ tại chùa Chúc Thánh với niên đại ít hơn so với cổ tượng chùa Phước Lâm, tuy nhiên lại có kích thước lớn gấp đôi. Chỉ có điều khác biệt là 18 vị đều ngự trên đài sen chứ không cưỡi linh thú.

Theo nghiên cứu tín ngưỡng tâm linh Việt Nam thì thông thường, các chùa phía Bắc thường cẩn trí Thập Bát La Hán trên các loại bệ tự nhiên như tảng đá, gốc cây, đài sen. Các vị La Hán được thờ ở miền Trung và Nam thường trong tư thế cưỡi trên lưng các con thú. Nhưng nhìn chung, hình hài, động tác, nét mặt mỗi vị một vẻ rất sinh động và gần gũi với đời thường. Tuy nằm trong cùng một làng (2 chùa Phước Lâm và Chúc Thánh chỉ cách nhau khoảng 500 m) nhưng phong cách thể hiện của hai bộ tượng hoàn toàn khác nhau. Cũng chính vì sự khác biệt này mà các cổ tượng Thập Bát La Hán thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Các vị sư trụ trì cho rằng cả hai bộ tượng đều do những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà xưa của Hội An chế tác. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - PGĐ Bảo tàng Đà Nẵng, thì trình độ và kỹ thuật chế tác điêu luyện này chỉ có được ở những bàn tay nghệ nhân phương Bắc, chứ nghệ nhân làng gốm Thanh Hà thời ấy khó có thể tác tạo.

Về linh thú thì nếu để ý kỹ, hình dáng những con thú được các vị La Hán cưỡi cũng đặc biệt thú vị. Trong bộ Thập Bát La Hán cổ của Tổ Đình Phước Lâm thì bên cạnh những linh thú quen thuộc hiện diện ở chốn thờ tự như nghê, lân, long... thì còn có những con vật mang bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam như voi, nai, hươu, trâu, dê... Điều đó thể hiện rõ tín ngưỡng dân gian bản địa đã được đề cao và có sự tiếp biến sâu sắc.

Tinh hoa mỹ thuật Phật giáo

Theo hòa thượng Thích Hạnh Hoa thì: “Khi lưu truyền trong dân gian, mỗi khuôn mặt tượng thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người dân, mỗi con linh thú chở trên mình những phong tục, tập quán, những nét sinh hoạt rất đời thường... nhưng trên tất cả vẫn là tài hoa của nghệ sĩ, là cái hồn lẩn khuất hàng trăm năm trong mỗi pho tượng”. Điểm chung của hai bộ cổ tượng ở Hội An đó là khuôn mặt tượng rất hiền, rất dân dã và gần gũi chứ không dị tướng như những pho tượng La Hán thông thường.

Cổ tượng chùa Phước Lâm hiện đang được bảo quản trong khung thờ hai bên chánh điện. Tuy nhiên, đánh giá hiện trạng cho thấy những lớp sơn thếp trên bề mặt tượng đã bắt đầu bong tróc. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa cho biết: “Vào khoảng năm 1980, tượng được các nghệ nhân địa phương mượn về phục chế, tạo khuôn. Do không được bảo quản cẩn trọng nên đã có phần bị hư hại”.

Đối với cổ tượng chùa Chúc Thánh (hơn 200 năm tuổi), hòa thượng Thích Đồng Mẫn (trụ trì chùa) cho biết: “Lớp sơn thếp trên tượng gần như được giữ gìn nguyên vẹn. Dù chưa trải qua lần phục chế nào nhưng tượng vẫn như tươi mới, thể hiện kỹ thuật tạc tượng tài tình”. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện giữ nguyên lập trường khi cho rằng bộ tượng do nghệ nhân nơi khác đến tạo tác, “vì những pho tượng cùng niên đại được thờ cúng trong chùa có đường nét, màu sắc, kỹ thuật tạc tượng thô mộc hơn, địa phương hơn, do chính những người dân bản địa tạo ra”.

Có thể thấy, chính những di sản cổ vật Phật giáo đang được gìn giữ và bảo quản tại các đình, chùa là nguồn tư liệu quý để gợi mở, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật Phật giáo cùng quá trình hình thành, phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Và những hiện vật này đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng trong công tác giữ gìn, tôn tạo để nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa không bao giờ là quá muộn.

An Dy

>> Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 3: Oai linh chuông Đà Sơn
>> Tinh hoa cổ vật Phật Giáo: Bảo vật hạ sơn sau gần 200 năm
>> Tinh hoa cổ vật Phật giáo
>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.