Chưa minh bạch, khó xử lý nợ xấu

31/08/2013 11:00 GMT+7

Bị coi là nút thắt ngang đường chảy vốn từ các tổ chức tín dụng tới doanh nghiệp, là một trong những lý do lớn nhất để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng đến khi phải bán, tỷ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng công bố lại khá "đẹp".

Bị coi là nút thắt ngang đường chảy vốn từ các tổ chức tín dụng tới doanh nghiệp, là một trong những lý do lớn nhất để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng đến khi phải bán, tỷ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng công bố lại khá "đẹp".

Nợ xấu có bị “làm đẹp” ?

Chưa đầy 1 tháng sau khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) với nhiệm vụ xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng (NH) ra đời, nhiều NH đã công bố nợ xấu với tỷ lệ khá đẹp.

Trong 15 NH công bố tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3 NH có tỷ lệ vượt mức 3% - ngưỡng phải bán cho VAMC - gồm NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và TechcomBank (5,28%). Số còn lại đều có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như  NH Quân đội (MB) là 2,44%; Sacombank 2,5%; ACB 2,98%; BIDV 2,78%; VietinBank 2,10%; VietcomBank 2,8%; VPBank 2,62%; TienPhong Bank 2,77%; OCB 2,5% và SouthernBank 2,77%.

Việc số lượng NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% chiếm áp đảo, đặc biệt là trong số này có sự góp mặt của hầu hết các nhà băng lớn, có tên tuổi trên thị trường đang đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu liệu có bị các NH "làm đẹp" hay không? Thứ hai, nếu đây là tỷ lệ nợ xấu thật, vai trò của VAMC có còn cần thiết?

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tỷ lệ nợ xấu thực tế cao hơn nhiều so với con số công bố. Bản thân NH Nhà nước VN cũng "lường" trước việc này nên đã từng cảnh báo trong buổi ra mắt VAMC rằng đơn vị nào giấu nợ xấu sẽ bị thanh tra xử lý. Vậy tại sao các NH lại giấu nợ xấu, không muốn "cắt" đi cái "ung nhọt" đã gây nhức nhối của chính họ? Phải chăng họ không muốn bán nợ xấu cho VAMC?

Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, về cơ bản, VAMC sẽ mua nợ xấu theo 2 phương thức, nhưng hiện tại tập trung vào phương thức thứ nhất: Mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Hiểu đơn giản là, "cục" nợ xấu của NH chuyển sang cho VAMC và công ty này toàn quyền xử lý. Mà muốn bán được, phải bán rẻ. Chưa kể, ngay cả khi đã bán nợ cho VAMC rồi NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm, sau 5 năm, nếu VAMC không xử lý được số nợ này thì lại trả về cho các NH. Đó là lý do, các tổ chức tín dụng không mặn với chuyện bán nợ xấu cho VAMC. Cách tốt nhất để tránh việc này là "ép" nợ xấu xuống dưới ngưỡng phải bán là 3%.

Cập nhật mới nhất của NH Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 6.2013 ở mức 4,46%, giảm so với mức 4,65% tính đến cuối tháng 5.2013.

Chưa minh bạch, khó xử lý nợ xấu
Số lượng ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% hiện đang chiếm áp đảo - Ảnh: D.Đ.M

Muốn bán nợ giá cao ?

Trong khi phương thức 1 đang có dấu hiệu bị vướng như phân tích trên thì trên thị trường xuất hiện một số ý kiến đề nghị tăng vốn cho VAMC để xử lý nợ xấu theo phương thức 2, đó là mua nợ xấu theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Hiểu đơn giản là thuận mua - vừa bán. Muốn mua thì phải có tiền, nhưng vốn của VAMC thì chỉ có 500 tỉ đồng trong khi mục tiêu xử lý nợ xấu chỉ riêng trong năm nay lên tới 40.000 tỉ - 70.000 tỉ đồng. Cách duy nhất là tăng vốn.

Phương thức này không mới. Cuối năm 2012, NHNN đã đề xuất đề án thành lập công ty mua bán nợ có quy mô vốn 100.000 tỉ đồng để mua nợ xấu. Ngay khi công bố, hàng loạt các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phản bác đề xuất này với lý do, khi có lợi nhuận lớn các NH đã hưởng thì không có lý do gì, ngân sách lại phải  "gánh" cho họ các khoản nợ xấu. Đặc biệt là với việc sở hữu chéo chằng chịt giữa các tổ chức tín dụng, việc mua nợ xấu của NH cổ phần thực chất là mua nợ xấu cho các "sân sau", các cổ đông lớn. Đề án thành lập công ty nợ xấu đã bị "treo" lại. Cho đến gần 1 tháng trước, VAMC ra đời với 2 phương thức mua nợ xấu thì phương thức mua bằng trái phiếu đặc biệt có vẻ khó khả thi khi tình trạng giấu nợ đã xuất hiện.

Một chuyên gia giấu tên đặt vấn đề, liệu có kịch bản, đến lúc thực hiện mua nợ xấu theo phương thức thứ 2, phương thức mà các ông chủ NH mong muốn, tỷ lệ nợ xấu đột ngột tăng trở lại? Nghi vấn này hoàn toàn có cơ sở.

Còn nhớ thời điểm đề xuất thành lập công ty mua bán nợ tháng 10.2012, tỷ lệ nợ xấu đã tăng mạnh so với con số báo cáo trước đó không lâu. Số liệu tỷ lệ nợ xấu đã được mang ra chất vấn ngay tại nghị trường Quốc hội kỳ họp cuối năm 2012. Lúc đó, nghi vấn các NH "nhiệt tình" báo tỷ lệ nợ xấu cao lên để hy vọng bán được với giá thị trường đã được đặt ra. Đến lúc này, khả năng đó vẫn hoàn toàn có thể, bởi như phân tích trên, bán nợ xấu với giá thị trường thực sự "nhất cử lưỡng tiện" cho các NH giải phóng khỏi đống tồn kho nợ xấu.

Muốn giải quyết nợ xấu, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải biết thực sự tình trạng, tỷ lệ, mức độ của nợ xấu. Nếu chưa minh bạch được các yếu tố này, rất khó nói để chuyện xử lý mà không khéo, chính sách lại bị lợi dụng để phục vụ lợi ích một số NH.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.