Việt Nam bắt đầu áp thuế tự vệ

02/09/2013 11:00 GMT+7

Từ ngày 7.9, mức thuế tự vệ nhập khẩu cho dầu thực vật và dầu nành tinh luyện sản phẩm này từ 0 sẽ tăng lên 5% trong năm đầu tiên và giảm dần về mức 2% đến năm 2017.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp này để bảo vệ hàng trong nước trước làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào.

 Dầu ăn
Dầu ăn trong nước bị hàng nhập khẩu chèn lấn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Khốn đốn vì hàng nhập

Việc khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu ăn được Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận từ cuối tháng 11.2012 sau khi có đơn yêu cầu của 5 công ty trong nước gồm: Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), CTCP dầu thực vật Tường An, CTCP dầu thực vật Tân Bình, Công ty dầu thực vật Cái Lân và Công ty dầu ăn Holden Hope - Nhà Bè. Phía nguyên đơn cho rằng sự gia tăng đột biến của mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Từ năm 2004 đến nay, Vocarimex và các doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất dầu thực vật trong nước đã nỗ lực đầu tư rất lớn vào dây chuyền máy móc thiết bị, nâng cao công suất của toàn ngành qua các năm (từ 400.000 tấn/năm lên tới 1 triệu tấn/năm) để có thể đáp ứng 100% nhu cầu dầu thực vật trong nước đến năm 2015.

 

Hành lang pháp lý ta đã có, chỉ cần hoạt động của Hội đồng cạnh tranh (cơ quan có thẩm quyền của ta) tốt hơn, và Hiệp hội Các ngành hàng phải phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến những kết quả tốt hơn

TS Phạm Văn Chắt

Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, lượng dầu tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam đã gia tăng một cách đột biến. Cụ thể dầu cọ tinh luyện tăng từ mức gần 269.492 tấn năm 2009 lên 565.020 tấn năm 2012; dầu nành tinh luyện tăng từ mức 162 tấn vào năm 2009 đến 3.876 tấn năm 2012. Tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2009 - 2012 là 75%/năm khiến các DN sản xuất trong nước phải đồng loạt cắt giảm 1/2 năng lượng sản lượng xuống còn 1/3 so với năm trước, kéo theo thị phần, doanh thu, lợi nhuận… đều giảm mạnh. DN trong nước rơi vào tình trạng ngưng trệ và có nguy cơ phá sản nên yêu cầu điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm trên.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu được xem là khởi đầu cho các DN trong nước chủ động đối phó với hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang trong thời hạn xem xét các đơn của DN sản xuất thép trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang xem xét tăng thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhựa polyster chưa no và thép không gỉ sau khi có đơn phản ánh của các DN trong nước.

Cần liên kết

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhận xét: Hầu hết các DN đều lúng túng không biết xử trí thế nào trước việc hàng hóa nước ngoài bán phá giá, bán hàng với giá thấp do được trợ cấp... tại thị trường nội địa. Một số biết nhưng lại không hiểu rõ về những điều kiện về pháp lý và thủ tục cần tuân thủ để có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả. Nói một cách khác, chúng ta có “vũ khí tự vệ” nhưng hoặc không biết, hoặc biết mà không được hướng dẫn cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Ví dụ, để có thể đi kiện, phải tập hợp được các nhà sản xuất đại diện cho ít nhất 25% tổng sản lượng sản phẩm đó; nguyên đơn phải tập hợp được đầy đủ chứng cứ, phải có lập luận vững vàng và tham gia suốt các giai đoạn của quá trình tố tụng liên quan. Đây là quá trình phức tạp và rất tốn kém. Trong khi đó, các DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, tính cộng đồng chưa đạt được mức độ gắn kết mong muốn nên không dễ để có thể đáp ứng được những điều kiện để sử dụng công cụ pháp lý được xem là rất hữu hiệu này.

TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam), nhấn mạnh mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước là nhu cầu tất yếu nên các nước đều quan tâm đến hàng rào “sau biên giới” như áp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá... Vì vậy, cùng với việc chống án thành công các vụ kiện bán phá giá từ nước ngoài thì các cơ quan nhà nước và bản thân DN phải quan tâm hơn nữa đến các biện pháp tự vệ ngay tại thị trường nội địa của mình. Việc các DN thép khởi kiện điều tra chống bán phá giá được xem là bước khởi đầu của Việt Nam. Tuy có khó khăn, nhưng là tiền đề rất quan trọng và cần được quan tâm. Cho nên, các cơ quan nhà nước và Hiệp hội Ngành hàng phải quan tâm phối hợp cùng doanh nghiệp trong hoạt động tự vệ chính đáng. “Hành lang pháp lý ta đã có, chỉ cần hoạt động của Hội đồng cạnh tranh (cơ quan có thẩm quyền của ta) tốt hơn, và Hiệp hội Các ngành hàng phải phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa cơ quan nhà nước với DN thì sẽ dẫn đến những kết quả tốt hơn”, TS Phạm Văn Chắt nói.

Mai Phương

>> Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
>> Hàng Việt về nông thôn đạt mốc 100 phiên
>> Chương trình hàng Việt về nông thôn 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.