Một lán trại của các vàng tặc - Ảnh: Phạm Đắc |
Tình trạng này kéo dài nhiều tháng nhưng chính quyền địa phương chưa có cách gì để ngăn chặn. Để tiếp cận bãi vàng, chúng tôi phải thuyết phục mãi, một người dân địa phương mới chịu dẫn đường nhưng cảnh báo: Khu vực khai thác vàng nằm cách xa khu dân cư, đường khó đi.
|
Chúng tôi xuất phát từ trụ sở UBND xã Ya Tăng, H.Sa Thầy, tiến thẳng đến dốc Cổng Trời chừng 10 km, rẽ vào một con đường mòn nhỏ, lội qua con suối, rồi thở bằng… tai để leo lên con dốc thẳng đứng, trơn trợt. Chiếc xe máy dù cố hết sức nhưng lực bất tòng tâm, không tài nào tiến lên được, chúng tôi phải giấu vào bìa rừng để cuốc bộ.
“Ma trận” trong lòng đất
Từ con suối đến bãi vàng chỉ khoảng 1 km leo dốc, nhưng chúng tôi phải dừng lại tới ba lần để nghỉ lấy sức trước khi tiếp cận. Do đang mùa mưa nên con dốc ngập trong bùn. Sau quãng lội sình chừng 800 m, nhìn lên lưng chừng đồi thì thấy một lán trại nằm cheo leo. “Họ làm cao vậy là để quan sát”, người dẫn đường giải thích. Phía dưới khe suối, các lán trại được xây dựng khá kiên cố, nhìn cũng biết đó là của những người khai thác vàng trái phép chuyên nghiệp. Trước cửa vào hầm khai thác vàng, là những chiếc xe máy “đặc chủng”, bánh quấn xích và không hề có biển kiểm soát.
Lúc này, trời bất chợt đổ mưa. Trong vai các cán bộ đi khảo sát trồng rừng tranh thủ trú mưa, chúng tôi tiếp cận hai phu vàng đang nằm nghỉ trưa gần cửa hầm. Xa xa là tiếng rầm rì của máy nổ nghiền đá. Sau một hồi trò chuyện, hai phu vàng cho biết họ đến đây khai thác vàng thuê cho ông chủ bãi vàng tên Ngô Văn Trung (quê Thái Nguyên nhưng vào Sa Thầy lập nghiệp). Ngoài nuôi cơm nước, chủ bãi vàng trả cho mỗi người từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng khai thác được nhiều hay ít. Các phu vàng bảo hiện toàn bãi chỉ có 11 nhân công. Thế nhưng quan sát đồ dùng sinh hoạt và các phương tiện khai thác vàng trong ba lán trại, thì bãi vàng lậu này phải có đông hơn nhiều so với con số các phu vàng nói.
Đang trò chuyện, bỗng nhiên máy phát điện và máy nghiền đá đồng loạt tắt ngấm. Có lẽ do có người lạ xâm nhập bãi vàng. Trời tạnh mưa, chúng tôi ngỏ ý muốn “tham quan hầm vàng cho biết” và được các chủ hầm vàng cho phép. Mượn hai đèn pin vừa đeo trên đầu vừa cầm tay, chúng tôi tiến vào hầm vàng. Nhưng bước qua miệng hầm đầy váng dầu và hóa chất nổi lềnh bềnh thì bắt đầu thấy sợ. Bởi đất ẩm ướt, chốc chốc có vài ụ đất trong hầm lở ra rơi xuống. Một phu vàng trấn an: “Mưa này thì không ăn thua gì đâu”.
Bên trong, hầm vàng rộng khoảng 1 m, cao gần 2 m, tối om om, sâu hun hút và ngoằn ngoèo như ma trận. Dọc hai bên vách là những can nhựa loại 30 lít đựng xăng, dầu, máy khoan, xẻng, xà beng và nhiều trang thiết bị hút nước, đào đãi vàng khác…
Điều đáng nói là “địa đạo” kéo dài hàng chục mét nhưng không hề có bất kỳ hệ thống chống đỡ nào, nếu có lỡ xảy ra sự cố sụp hầm thì không tài nào cứu nổi ở giữa khu rừng vắng này.
Kiên quyết “xóa sổ”
|
Chủ hầm vàng này là ông Ngô Văn Trung nói: “Ngoài tôi ra, còn có 3 người khác cùng liên kết đầu tư khai thác vàng ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn”. Hỏi có giấy phép khai thác không thì ông Trung bảo không, nhưng “đã xin phép miệng” với lãnh đạo UBND xã Ya Tăng từ vài tháng nay rồi nên không sợ ai vào truy quét, xử lý cả. Nói đoạn, ông Trung còn móc trong túi quần ra gói thuốc lá, trong đó có 2 cục vàng tròn, to bằng ngón tay út khoe với chúng tôi sản phẩm thu hoạch được trong ngày hôm qua, ước chừng 5 chỉ.
Chiều 3.9, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, ông Rơ Chăm KLát, cho biết: Bãi vàng này xã đã biết từ tháng 7 năm nay. Sau đó xã đã huy động các lực lượng ra truy quét và các “vàng tặc” đã bỏ đi. Tháng 8 mới đây, được tin báo, xã cũng ra bãi vàng để kiểm tra thì hầm vàng này không thấy có ai. “Ngày mai (4.9) chúng tôi sẽ huy động lực lượng ra bãi vàng này để kiểm tra. Còn việc ông Trung nói đã xin phép miệng là không có. Vì chúng tôi không gặp ai tên Trung ra xã để xin miệng khai thác vàng cả”, ông Klát khẳng định.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND H.Sa Thầy, ông Nguyễn Ngọc Sâm cho rằng, từ trước đến nay huyện chưa nhận được bất kỳ nguồn thông tin và báo cáo nào về tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Ya Tăng. Theo ông Sâm, trước đó, UBND huyện nhận được thông tin có tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa bàn xã Rờ Kơi và đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức truy quét, ngăn chặn. “Còn tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa bàn xã Ya Tăng, huyện cũng sẽ nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xóa sổ”, ông Sâm quả quyết.
Địa đạo khai thác vàng ở dưới ngọn đồi ở làng Trấp |
Phạm Anh - Đắc Vinh
>> Truy quét "vàng tặc" ở khu bảo tồn sông Thanh
>> Đuổi gần 1.000 “vàng tặc” ra khỏi rừng
>> Tiếp tay cho “vàng tặc”
>> Truy quét “vàng tặc”
Bình luận (0)