Bà Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi, thôn 6) vừa chỉ cho chúng tôi thấy ngấn nước in trên tường nhà, vừa kêu: “Các bác tính, nắng ráo như ri mà đường làng, ngõ xóm, vườn tược ngập hết. Chỉ cần một trận mưa nhỏ là nước tràn vào trong nhà, ngập nửa chân giường”.
Nước ngập lâu ngày khiến sinh hoạt bị đảo lộn và làm vườn chuối hơn 200 cây của bà Hồng bị úng nước đang héo lá, chết dần.
Bà Hồng kể, do nước ngập lâu nên sân bị đóng một lớp rêu rất trơn. Cách đây mấy hôm ông Nguyễn Hữu Lành (76 tuổi, chồng bà Hồng) đã bị ngã khi đi vệ sinh.
“Từ hôm ông bị ngã đến nay, bệnh tình nặng lên nhiều. Hai chân thì lở loét ra vì phải thường xuyên lội trong nước bẩn. Các cháu đi làm ăn xa cả, giờ ở nhà chỉ có hai ông bà chăm nhau, nước lại ngập, tôi chả biết phải xoay ra sao nữa”, bà Hồng nói.
|
Quanh thôn 6 của bà Hồng còn có hàng chục gia đình khác cũng khốn khổ trong sinh hoạt hằng ngày vì nước ngập. Rất nhiều gia đình bị nước ngập vào bếp khiến việc nấu ăn phải chuyển lên nhà trên hoặc phải kê bếp lên cao để nấu nướng. Nhiều gia đình phải kê đồ đạc chồng lên nhau, tránh mục nát.
Tại thôn Thủ Công, nước ngập lâu ngày đã biến sang màu đen, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Bà Doãn Thị Đáo, một người dân thôn Thủ Công ngán ngẩm: “Không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát nạn. Nhiều hôm đi trong sân mà nước ngập đến đầu gối. Có hôm rắn, rết theo nước vào tận nhà. Rồi chất thải từ các hố tiêu, chuồng lợn, chuồng bò trong khu dân cư tràn ra, hòa vào dòng nước gây ô nhiễm vô cùng. Chúng tôi đã phản ánh nhiều rồi, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp xử lý”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Dục, đại diện các hộ dân của thôn Thủ Công cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng ngập lụt này là do chính quyền bán đất, làm đường dân sinh kiên cố ngang qua hồ Trành, khiến nước không thoát được. Trên con đường kiên cố vừa thi công cũng có cống tiêu, song cống lại quá cao khiến nước không chảy ra đồng được. Tình trạng trên đã khiến khoảng 70 hộ gia đình của 3 thôn 6, 7 và Thủ Công bị ảnh hưởng, trong đó 30 hộ gần hồ bị ngập triền miên”.
Hồ Trành vốn là nơi thu hồi nước mưa và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư sinh sống quanh hồ. Sau đó, nước từ hồ sẽ theo các kênh nhỏ chảy ra cánh đồng. Nhưng hiện nay do diện tích mặt hồ bị thu hẹp vì xã mở đường và san lấp nên nước mưa và nước thải ứ lại rồi gây ngập lụt cho các khu dân cư. Tình trạng nước ngập không những đang khiến cuộc sống của người dân các thôn 6, 7 và Thủ Công bị đảo lộn và đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, ốm đau do môi trường ô nhiễm.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Hoàng Huy Trung, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh thừa nhận xã hiện có khoảng 30 hộ đang phải chịu cảnh ngập úng thường xuyên. “Xã đã có kế hoạch làm hệ thống thoát nước bằng bê tông để dẫn nước trực tiếp từ khu dân cư đổ ra cánh đồng. Khi ấy, tình trạng ngập ứng sẽ được khắc phục”, ông Trung nói. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh không cho biết bao giờ thì hệ thống thoát nước này mới được làm xong.
Ngọc Minh
>> HĐND TP.Hải Phòng chất vấn về ngập lụt, ô nhiễm
>> Phố biển ngập lụt
>> Triều cường, ngập lụt... giải quyết sao đây?
>> Mưa lớn kéo dài gần 2 giờ, Đà Lạt bị ngập lụt
>> Vay 500 tỉ đồng để bổ sung vốn cho các dự án vùng ngập lụt
Bình luận (0)