|
Tại nghị trường, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault tiếp tục cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công ngày 21.8.
Ông Ayrault nhận định: “Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng vì hòa bình và an ninh trong khu vực, sắp tới chúng ta sẽ truyền tải thông điệp gì với những nước như Iran? Một khi không can thiệp quân sự vào Syria thì sẽ không tìm được giải pháp chính trị cho khủng hoảng tại nước này”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp khẳng định Paris sẽ không gửi bộ binh đến Syria dù “rất muốn ông Bashar al-Assad phải ra đi”.
Gần như cùng thời điểm ông Ayrautl giải trình trước quốc hội, thông qua mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Laurent Fabius cũng cho biết “Pháp sẽ không hành động một mình mà tận lực hỗ trợ đồng minh, khởi đầu là Mỹ”.
Trước ý kiến cho rằng Paris hiện đang “đơn độc” tại EU trong kế hoạch can thiệp vào Syria, ông Ayrault tuyên bố Tổng thống François Hollande vẫn đang rất tích cực vận động sự ủng hộ từ nhiều phía.
Trong khi đó, hầu hết các nghị sĩ thuộc đảng đối lập UMP, đứng đầu là ông Christian Jacob, đề nghị Paris chỉ nên hành động nếu được sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc. Ngược lại, kế hoạch can thiệp vào Syria cần phải được bỏ phiếu tại quốc hội.
Tuy không bác bỏ ý kiến nói trên, Thủ tướng Ayrault vẫn cho rằng Tổng thống Hollande cần được quyền tự đánh giá sẽ điều binh hay không đến Syria.
Ngoài 2 đảng có ảnh hưởng lớn nhất tại Pháp là đảng Xã hội và đảng UMP, nhiều đảng khác, cả cánh tả lẫn cánh hữu như Mặt trận cánh tả, Mặt trận dân tộc… đều phản đối việc dùng giải pháp quân sự để giải quyết xung đột ở Syria.
Tuy liên minh cầm quyền của đảng Xã hội đang nắm thế đa số tại cả thượng viện lẫn hạ viện nhưng nếu không được sự ủng hộ của các đảng cánh tả khác, chưa chắc ông Hollande có thể “an toàn” vượt qua vòng bỏ phiếu ở cơ quan lập pháp.
Lan Chi
Bình luận (0)