Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Đội quân trên tuyến đường huyền thoại

05/09/2013 10:15 GMT+7

Năm 1971, tranh thủ thời gian “ngừng bắn” để đàm phán hiệp định Paris, Trung ương quyết định đẩy mạnh công tác vận tải chiến lược, chi viện cho chiến trường miền Nam. Gần một vạn người đã có mặt trên tuyến đường 16A - Thống Nhất, trong đó đội quân TNXP Nam Hà được huy động đến Bang - Sứt để làm nhiệm vụ vận tải, mở đường

Năm 1971, tranh thủ thời gian “ngừng bắn” để đàm phán hiệp định Paris, Trung ương quyết định đẩy mạnh công tác vận tải chiến lược, chi viện cho chiến trường miền Nam. Gần một vạn người đã có mặt trên tuyến đường 16A - Thống Nhất, trong đó đội quân TNXP Nam Hà được huy động đến Bang - Sứt để làm nhiệm vụ vận tải, mở đường

TNXP Nam Hà trên “tuyến đường máu”

“Đường 16A nguyên trước đó có chiều dài hơn 90km, chiều ngang chỉ hơn 1m. Nhưng đến năm 1969 đường được mở rộng hơn để có thể vận tải hàng hoá, quân trang quân dụng bằng xe đạp thồ lẫn ôtô.”- ông Nguyễn Văn Dê, nguyên Chủ tịch UBND H.Lệ Thuỷ (Quảng Bình) nhớ lại. Ông Dê năm nay đã 80 tuổi, hiện đang ở H.Lệ Thuỷ, là người giữ chức Trưởng tuyến 16A từ năm 1969 - 1973. Phụ trách tuyến này còn có ông Trần Ngọc Châu (nguyên phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình), ông Trương Thiết Trụ (phó tuyến), nhưng nay hai vị này đã mất. Theo ông Dê thì từ năm 1969 - 1973 có khoảng 8.000 người làm nhiệm vụ trên tuyến đường này. Ngoài lực lượng dân công, y tế, công an, thương nghiệp... thuộc Quảng Bình, tuyến 16A cũng được tăng cường 300 - 400 người thuộc lực lượng TNXP Cù Chính Lan (Nghệ An), 300 - 400 người thuộc lực lượng TNXP Nam Hà để thực hiện nhiệm vụ vận tải, đảm bảo giao thông.

“Thời điểm này, tuyến đường 16A là tuyến đường căng nhất tại Quảng Bình. Hiệp định Paris đang đàm phán căng thẳng, Mỹ thực hiện “ném bom hạn chế ở miền Bắc”. Chưa kể những trận oanh kích của đối phương xuống vùng Bang - Sứt, bệnh tật, đói rét cũng đã làm nhiều chiến sĩ của chúng ta hy sinh trong lúc mở đường và làm nhiệm vụ vận tải” ông Dê kể.

Một nhân vật quan trọng khác là ông Lại Văn Ly, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ông Ly năm nay đã gần 85 tuổi, nhà ở TP.Đồng Hới. Vào đầu những năm 1970 ông Ly là Trưởng ban B Quảng Bình đặc trách chi viện cho miền Nam.

Ông Ly cho biết thêm thực tế tuyến 16A - Thống Nhất bấy giờ tồn tại như một bộ máy quản lý nhỏ của tỉnh. Tuyến có trạm y tế, có công an, bưu điện, ngân hàng… Riêng đoạn từ Ho đến sông Xê Băng Hiêng (Lào) gần 40km, phải dùng xe đạp thồ để giữ bí mật tuyến, tránh bị địch ném bom. Tuy nhiên, năm 1971 lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mở rộng đoạn đường từ Ho vào Xê Băng Hiêng rộng thêm 2,5m để tăng cường vận tải bằng xe cơ giới. “Sau khi hoàn tất mở rộng đường, chúng tôi xin được từ Trung ương 10 chiếc xe cứu thương, 10 chiếc gaz 69 đảm trách cung vận chuyển từ Ho đến Xê Băng Hiêng. Bang có một kho trung chuyển lương thực, hàng hoá, lực lượng TNXP Nam Hà phụ trách công tác bốc xếp đưa lên xe ôtô, chi viện chiến trường miền Nam. Chính nơi đây 50 TNXP Nam Hà đã hy sinh sau khi bị đối phương tập kích vào trưa ngày 1.5.1971” ông Ly cho biết.

Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng
Ông Lại Văn Ly, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, người đã thoát chết trong trận oanh kích của máy bay địch vào khu vực kho trung chuyển lương thực tại Bang - Sứt 1.5.1971. Ảnh: M.Đ.T

Bi tráng ngày mưa bom

40 năm sau trận oanh kích tàn khốc tại vùng Bang - Sứt bên tuyến đường 16A, mỗi khi nhớ lại sự kiện ấy ông Lại Văn Ly nói rằng lòng mình cứ quặn thắt. Ông Ly kể nhân ngày Quốc tế Lao động 1.5, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Bình ông mang quà lên tặng và thăm hỏi, động viên lực lượng TNXP đang làm nhiệm vụ tại Bang - Sứt. Trong các phần quà gửi tặng, động viên TNXP tỉnh không quên kèm vào chiếc lược chải đầu, chiếc gương soi tặng chị em đang làm nhiệm vụ…

Nhấp ngụm nước vối, giọng ông Ly buồn hẳn: “Lúc đó tôi lên tặng quà động viên, thăm hỏi anh em nhưng qua đó cũng đi để nắm tình hình chung luôn. Sau khi nhận quà, khoảng 12 giờ trưa, anh chị em TNXP tạm nghỉ ngơi chuẩn bị cho đợt bốc xếp mới, thì máy bay địch ném bom. Bom nổ ngay có, nổ chậm có. Mọi người phải chạy xuống khe gần bãi tập kết để tránh bom. Nhiều anh chị em bỏ chạy tản mác, nhưng vẫn bị trúng bom của địch…”.

Ngay sau tiếng bom rền, im tiếng máy bay địch quần thảo, ông Ly chỉ huy các lực lượng tham gia sơ cứu, cấp cứu các chiến sĩ bị thương, đưa những chiến sĩ hy sinh đi mai táng. Số người bị thương thì chuyển về bệnh viện huyện Lệ Thuỷ, hoặc đưa về bệnh viện tỉnh. Riêng với người hy sinh thì rất khó xử lý bởi quá nhiều, ván lại không đủ để đóng qua tài. Mặt khác, mai táng tại chỗ thì địa hình không thể, lại phải đề phòng địch đánh lại nên phải cố gắng xử lý gọn gàng ngay trong buổi chiều tang thương đó.

“Lúc ấy tôi điện khẩn về ngành lâm nghiệp tỉnh mang ván lên. Ván đưa lên không đủ, lực lượng dân quân địa phương đã phải bọc anh em trong túi nilon, tăng bạt để đưa đi mai táng. Cuối cùng các chiến sĩ hy sinh được đưa ra mai táng ở một cái trạng cách ngã tư Thạch Bàn khoảng 300m, cách hiện trường gần 8km” - ông Ly nhớ lại.

Mai Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.