Có kiến thức, kỹ năng vẫn chưa đủ
Chị Huỳnh Kim Phụng, tốt nghiệp ngành công tác xã hội vào tháng 12.2012, nay đang là nhân viên Trung tâm khuyết tật và phát triển - DRD tại TP.HCM, nhìn nhận: “Sinh viên ngành này gặp nhiều khó khăn, nhất là ra trường khó kiếm việc làm”. Theo chị Phụng, có nhiều sinh viên không biết chọn lựa thông tin, xác định được đối tượng mình quan tâm, dẫn đến việc học tràn lan, thiếu tập trung và thiếu tính chuyên nghiệp. Chị Phụng kể: “Ban đầu tôi cũng rất hoang mang do không xác định rõ mình muốn gì. Nhưng nhờ mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động và trải nghiệm thực tế với nhiều đối tượng khác nhau, tôi nhận ra rằng mình thích hợp với lĩnh vực trẻ em và người khuyết tật”.
|
Trong khi đó, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai, cho rằng những kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội cá nhân, nhóm, cộng đồng là điều bình thường, ai cũng có cả. Để tạo ra sự khác biệt cho mình và tìm được việc làm cần gia tăng kỹ năng về truyền thông (như mạng xã hội, tiếp thị xã hội) và kỹ năng gây quỹ (tổ chức sự kiện gây quỹ, viết dự án vận động tài trợ…), nhất là trong bối cảnh những tổ chức tài trợ nước ngoài được dự báo sẽ dần dần rút đi.
Để “trấn an” nhiều sinh viên đang lo lắng về việc làm sau khi ra trường, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin hiện nay Sở đang quản lý khoảng 40 trung tâm xã hội. Bên cạnh đó, còn có nhiều trung tâm, cơ sở ngoài công lập liên quan đến lĩnh vực này. Vì vậy, sinh viên sẽ có không ít cơ hội thực tập và tìm việc làm. Tuy nhiên, ông Giang cũng nhấn mạnh: “Ngoài kỹ năng, kiến thức và cái tâm cần có, người lao động phải nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những chính sách”.
Mỗi sinh viên phải biết tự PR
Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền, phụ trách Khoa Xã hội học, công tác xã hội, Đông Nam Á học - Trường ĐH Mở TP.HCM, nêu thực trạng: Tỷ lệ tốt nghiệp sinh viên ngành này của trường những năm gần đây chưa tới 50%.
Bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD, hỏi sinh viên: “Các em có muốn có việc làm, lương cao không?”. Tiếng đáp “Có!” đồng thanh vang lên. Bà Yến đặt vấn đề: “Ngay từ bây giờ các bạn phải chuẩn bị học thật tốt. Tôi thấy tỷ lệ tốt nghiệp 40 - 50% là thấp quá. Có những sinh viên thực tập không biết gì hết dù đã học hết các môn. Đó là do lúc học các em không biết học những môn đó để làm gì”. Bà Yến cho biết, có nhiều sinh viên đến thực tập hoặc làm tình nguyện tại Tổ chức DRD. “Những nhân viên có tâm huyết với nghề thì chúng tôi sẽ nhận”, bà Yến quả quyết.
Mặc dù khá muộn màng nhưng ngành này cuối cùng cũng chính thức có mã ngành đào tạo từ năm 2004 và sau đó được công nhận là một nghề trong xã hội. Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp tại TP.HCM, ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là từ thiện, còn công tác xã hội chuyên nghiệp vẫn chưa rõ nét. Theo bà Hải, để nâng cao nhận thức của xã hội về nghề này, cách PR (truyền thông) mạnh mẽ nhất chính là ở bản thân mỗi nhân viên, sinh viên. Làm sao để gia tăng giá trị, nâng vị thế và hình ảnh về nghề này trong xã hội bằng đạo đức, chuyên môn, tinh thần dấn thân không mệt mỏi.
Nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm Một thống kê cho thấy trong số 89 sinh viên ngành công tác xã hội của Trường ĐH Mở TP.HCM "chưa từng làm việc kể từ khi tốt nghiệp năm 2012", có 45 người (chiếm 50,6%) cho biết họ đang xin việc nhưng chưa có việc làm; 12 người (13,5%) đã xin việc nhưng không thành công, còn lại là những lý do: tiếp tục đi học, chưa có ý định tìm việc, thiếu thông tin việc làm... |
Như Lịch
>> Mong được tự tạo việc làm
>> Giúp thanh niên tự tạo việc làm, làm giàu tại quê hương
>> Tự tạo việc làm - tại sao không ? - Vốn vay không thiếu
>> Tự tạo việc làm - tại sao không? - Thành công với hàng... độc
>> Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm
>> Biến tướng đồng phục - Kỳ 2: Sinh viên cũng bắt mặc cùng kiểu !?
>> Nhiều chỗ trọ sinh viên năm học mới
>> Gỡ khó việc làm cho sinh viên ngành công tác xã hội
>> Hàng ngàn sinh viên chưa biết về đâu
>> Nhiều sân chơi dành cho tân sinh viên
>> Ưu đãi tín dụng cho học sinh, sinh viên
>> Giúp tân sinh viên tự tin đến trường
Bình luận (0)