|
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đến giờ vẫn không thể quên những bản nháp thơ Xuân Quỳnh. Đó là những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ. Nữ sĩ đã nháp bài thơ ra văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó, cho nó một khuôn mặt cố định trên trang giấy. Những dòng chữ chi chít ấy là minh chứng cho cảm hứng thơ bất chợt, dồi dào. “Lúc viết những dòng này, tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ ào ào kéo đến trong đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn”, sau này Xuân Quỳnh tâm sự.
Nữ diễn viên múa nhỏ nhắn ấy đã có một mối duyên kỳ ngộ với thơ ca. Đến một chặng đời, khi cả nội tâm lẫn khao khát yêu đương chợt mãnh liệt trỗi dậy, chị đã tìm đến thơ để giải tỏa đủ vui buồn cá nhân. “Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu mà mình được yêu, như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói”, nữ sĩ chia sẻ.
Với Xuân Quỳnh, con đường thơ chỉ giản dị có thế. Đúng như bản năng của một người phụ nữ, Xuân Quỳnh viết về tình yêu trong dự cảm cô đơn và nỗi lo âu khắc khoải: “Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau - rạn vỡ/Nếu từ giã thuyền rồi/Biển chỉ còn sóng gió/Nếu phải cách xa anh/Em chỉ còn bão tố” (Thuyền và biển). Đằng sau cảm thức cô đơn và sự bất an thường trực ấy, người ta thấy cái lý của “tình yêu muôn thuở/có bao giờ đứng yên”.
Con sóng báo trước
Khi Quỳnh hát lên lời của Sóng, thì các nhà thơ khác vẫn đang hòa chung tiếng nói của cộng đồng bằng cảm hứng yêu nước, tinh thần ngợi ca. Trong bối cảnh những năm 60, 70 của thế kỷ 20, giữa chiến tranh chống Mỹ gian khổ, khốc liệt, Xuân Quỳnh như một cành hoa tươi mọc lên giữa rừng bom đạn.
Nếu xếp trong chùm thơ chống Mỹ giai đoạn này với Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Khoảng trời hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)…, Sóng của Xuân Quỳnh là một bài thơ lạc điệu. Mọi người kể chuyện chiến tranh bằng những anh hùng ca của đất nước, Xuân Quỳnh lặng lẽ kể chuyện mối tình đơn phương nồng nàn, mãnh liệt: “Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ”.
Xuân Quỳnh đã “tự hát” giản dị và thật thà những thổn thức sâu thẳm con gái khát khao đi tìm hạnh phúc, tự nguyện hiến dâng. Chị hướng đến cái vô biên như “cuộc đời tuy dài thế”, như “biển kia dẫu rộng” để tuyệt đích hóa tình yêu của mình. Thứ tình yêu giông tố, bản năng, mãnh liệt và bất chấp, đủ để “yêu anh cả khi chết đi rồi”.
|
“Xuân Quỳnh là minh chứng cho quan điểm vẻ đẹp cao quý nhất trong văn học là vẻ đẹp tự nhiên. Nó không có quyền mang dấu ấn của những gắng gỏi, gò gẫm nơi tác giả dù khi viết tác giả đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận định.
“Xuân Quỳnh là sự báo trước của những nhà thơ nữ Đổi mới. Bà báo hiệu khuynh hướng đưa thơ về với cái đời thường, là tiếng nói của người phụ nữ đòi quyền yêu, quyền sống tại trần thế, ngay bây giờ, trong những hạnh phúc thường nhật”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch khẳng định.
Nhìn lại, giá trị của thơ Xuân Quỳnh có thể không nằm ở những sáng tạo nghệ thuật đột phá. Nhưng những tác phẩm của chị đã mở đường cho dòng thơ nữ của văn học Việt Nam sau này. Những tác giả nữ như Dư Thị Hoàn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh có thể đã mạnh dạn hơn trong việc tìm đến những hình thức biểu hiện táo bạo, mới mẻ nhưng nếu không có Xuân Quỳnh với nỗ lực đưa thơ ca về gần với tiếng nói đời thường, hẳn sẽ khó có đất cho những khuynh hướng tính nữ của ngày hôm nay.
Trở về đúng nghĩa trái tim
Là người báo trước khuynh hướng nữ tính, Xuân Quỳnh cũng đi trọn vẹn với xu hướng này suốt đời sáng tác của mình. Nếu như những tháng năm tuổi trẻ Xuân Quỳnh tìm ra biển lớn, thì đến khi cập bến tình yêu, nhà thơ lặng lẽ trở về “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (Tự hát)
“Nỗi khát vọng tình yêu” bồi hồi ngực trẻ ngày nào giờ nhường chỗ cho tình thương và lòng tận tụy trong thiên chức người vợ, người mẹ của gia đình. Cuộc tìm kiếm tình yêu tuyệt đích của chị cuối cùng dừng lại ở nhà thơ, nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ. Vượt qua bao thử thách, trắc trở, cuối cùng họ đã tìm thấy nhau và trở về chung sống trong một mái ấm nhỏ bé.
Những năm khó khăn gian khổ ấy vẫn còn được bạn bè và những người thân của nhà thơ nhắc lại mãi. Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang nhớ mãi về bà như một người mẹ của ba đứa con trai đang sức lớn và vẫn còn mải chơi. Xuân Quỳnh hằng ngày đến cơ quan thường phải mang theo cả đống quần áo của gia đình, vừa tranh thủ giặt bên cái máy nước ri rỉ chảy vừa cố dằn nén những cơn tức thở do bệnh tim gây ra. “Và trong nhiều bữa ăn thiếu hụt của thuở hàn vi ấy, để nhường phần cho chồng và lũ con được ăn thêm, Quỳnh thường tế nhị ăn rất chậm và tất nhiên không đủ no. Nhiều đêm thức giấc chị nghĩ đến thơ để nén cơn đói cồn cào”, bà Trang nhớ lại.
Những năm tháng khó khăn khi Lưu Quang Vũ phải cặm cụi viết kịch bản cho các nhà hát để kiếm tiền, có một chiếc bàn làm việc Xuân Quỳnh cũng nhường cho chồng. Bạn cùng thời kể lại, chị thường nói: “Có con, chị ghét cả con muỗi con ruồi. Ghét cả tiếng đi mạnh, cả tiếng ho làm con chị giật mình”.
Cùng đi học ở Nga năm 1987 với chị, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn nhớ mãi cùng vào cửa hàng vải, trước tiên Quỳnh mua vải sẫm màu để mẹ anh Vũ may bộ đồ. Đi có ba tháng, ba lần Quỳnh gửi nước hoa về cho Vũ vì anh ấy hay tiếp xúc với diễn viên. Rồi còn mua ấm điện cho chị Đông Mai, phim và giấy ảnh cho cháu Kít đang học quay phim, quạt máy cho Tuấn Anh, búp bê cho Mí, chảo có nắp cho Thơ - em gái Vũ… Trong khi đó, bản thân người mẹ ba con ấy lại tằn tiện, tiết kiệm đến ngạc nhiên. “Cơm ăn thừa Quỳnh không bỏ đi mà cho vào hấp lại. Mua kem bôi mặt Quỳnh chọn loại ít tiền nhất, về nhà mới biết đó là kem bôi chân. Có mấy cái kẹo sô cô la chị cũng gói để dành cho con”, bà Nhàn nhớ lại.
Yêu thương và hy sinh quên mình cho tổ ấm, cho chồng cho con, Xuân Quỳnh sống nồng nàn và mãnh liệt cả trong thơ lẫn trong đời. Cuộc sống vất vả, lam lũ thường ngày không gặm nhấm được tâm hồn nữ sĩ. Xuân Quỳnh vẫn tha thiết yêu, “yêu cả khi chết đi rồi”.
Chưa bao giờ được ngủ giường. Cả một đời chưa khi nào biết đến nhàn hạ. Nhưng Xuân Quỳnh đã tìm thấy một tình yêu xứng đáng để thanh thản nhắm mắt lúc cuối đời. Ngày 29.8.1988, nữ sĩ mãi mãi ra đi trong một tai nạn cùng người bạn đời Lưu Quang Vũ và người con trai út Lưu Quỳnh Thơ. Trong thương tiếc, bạn bè tìm đọc lại những vần thơ đầu tiên để thanh thản nhớ về nữ sĩ tài năng ấy. Trong tình yêu của chị ăm ắp dự cảm tương lai: “Lá vàng rụng xuống/Cho đất thêm màu/Có mất đi đâu/Nhựa lên chồi biếc...” (Chồi biếc).
“Quỳnh là người phụ nữ tài năng, thông minh và yêu thương chồng con hết mực. Ban ngày quần quật, vất vả với công việc cơ quan, công việc gia đình, lo chợ búa cơm nước, giặt giũ, học hành cho ba đứa con, Quỳnh chỉ có thời gian sáng tác vào ban đêm. Thường thì vào khoảng 11 giờ đêm, khi các con đã ngủ yên Quỳnh mới ngồi trên nền nhà, kê giấy lên đầu gối mà viết. Cả nhà chỉ có một cái bàn con “ưu tiên” cho Vũ ngồi làm việc. Quỳnh đã có mặt trong đời Vũ vào những năm gian nan, lận đận nhất. Tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chiều chồng như Xuân Quỳnh. Yêu đến đam mê, đến quên cả bản thân mình”. Bà Vũ Thị Khánh (mẹ nhà thơ Lưu Quang Vũ) |
Quỳnh An
>> Thơ Xuân Quỳnh - còn mãi một tình yêu
>> Tọa đàm thơ Xuân Quỳnh
>> Sóng nào là Sóng của Xuân Quỳnh?
>> Phục dựng kịch Lưu Quang Vũ
>> Lưu Quang Vũ: Độc đáo một cuộc đời thi sĩ
>> Một đạo diễn trẻ “mê” dựng kịch Lưu Quang Vũ
>> Hình thể hóa kịch Lưu Quang Vũ
>> Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tập thơ của Lưu Quang Vũ
Bình luận (0)