Gánh nặng điều trị bệnh đái tháo đường

09/09/2013 06:00 GMT+7

Đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm mà nhân loại đang phải đối mặt. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và là gánh nặng khủng khiếp về chi phí điều trị của người bệnh.

Gánh nặng điều trị bệnh đái tháo đường
Bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là người cao tuổi cần các thuốc sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn trong việc tuân thủ điều trị

Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng nặng nề

Bà N.T.V, 55 tuổi, (Q. Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, bà bị đái tháo đường (ĐTĐ) đã hơn 5 năm nay. Trước đây, bà rất dễ dãi trong ăn uống khi ăn nhiều thức ăn chứa mỡ, đường mà không có thói quen vận động, tập thể dục. Đến khi có biểu hiện đi tiểu nhiều và sụt cân nhanh bà mới đến bệnh viện thử đường huyết. Bác sĩ cho biết bà bị ĐTĐ. Xác định sống chung với bệnh, bà đi đo đường huyết thường xuyên và phải xây dựng lại chế độ ăn uống. Bà V. cho biết, công sức và chi phí điều trị bệnh 5 năm qua là không tính xuể.

Theo thống kê, nếu năm 2002 tại Việt Nam chỉ có 2,7% người dân mắc bệnh ĐTĐ thì 10 năm sau tức năm 2012 con số này tăng lên 5,7%, tỷ lệ tiền ĐTĐ là 27%. Đáng lo ngại hơn, có đến 65% người bệnh không hề biết mình mắc căn bệnh này.

Theo PGS-TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa, chế độ ăn uống không hợp lý và thói quen ít vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng và đáng báo động tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ. Nhiều người bị ĐTĐ thường không biết họ bị bệnh cho đến lúc bệnh đã trở nặng và gây ra biến chứng. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh ĐTĐ có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng như mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi. Chưa kể các bệnh lý tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim đe dọa thường trực tính mạng bệnh nhân.

Giải pháp điều trị giảm gánh nặng bệnh tật

Các chuyên gia y tế nhận định, ĐTĐ là vấn đề nan giải không chỉ tác động trực tiếp đến bệnh nhân mà còn là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi năm, nước ta tốn khoảng 3 - 6% ngân sách của ngành y tế để dành cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh ĐTĐ như tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử chi...

Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐTĐ cần được đặc biệt chú ý. Chỉ khi được điều trị hợp lý, không để xảy ra các biến chứng nguy hiểm mới tránh được cho bệnh nhân tình trạng “bệnh chồng bệnh”. Bởi theo các chuyên gia, khi một số loại thuốc hiện tại điều trị ĐTĐ không khống chế được tình trạng bệnh lý, thì bác sĩ sẽ điều chỉnh tăng liều cho bệnh nhân hoặc phối hợp một số nhóm khác nhau, do đó đòi hỏi bệnh nhân uống nhiều thuốc hơn. Đây là điều gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tuân thủ điều trị, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi. Như vậy, việc phối hợp sẵn nhiều hoạt chất trong một loại thuốc duy nhất vừa giúp bệnh nhân tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc, vừa giúp việc kê toa của bác sĩ nhanh chóng, chính xác; nhân viên dược cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý tên thuốc.

Hiện các chuyên gia y tế hàng đầu về ĐTĐ đã áp dụng trong phác đồ điều trị loại thuốc mới một cách thường xuyên hơn cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân cao tuổi. Bà P.T.H, 53 tuổi (ngụ tại Q.1, TP.HCM) bị ĐTĐ cho biết, hơn 3 tháng qua bà đã được bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc mới. Loại thuốc này không những giúp hạ đường huyết nhanh mà còn giúp ổn định đường huyết lâu dài, bà H. còn cho biết mình đã không còn gặp tình trạng quên hay lấy thiếu một loại thuốc như phác đồ trước đây phải dùng nhiều loại nữa.

 Việc ra đời loại thuốc phối hợp cũng như những tiến bộ trong điều trị bệnh ĐTĐ trong thời gian gần đây và một vài năm tới hy vọng sẽ góp phần kiểm soát sớm và hiệu quả tình trạng tăng đường huyết, làm giảm các tác động tiêu cực của bệnh ĐTĐ lên sự phát triển kinh tế-xã hội như giảm tình trạng quá tải bệnh nhân do phải điều trị các biến chứng của bệnh ĐTĐ ở các bệnh viện hiện nay.

Minh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.