|
Theo đó, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen dành được 68 ghế, đảng đối lập CNRP được 55 ghế. Có 3,23 triệu cử tri bầu cho đảng CPP trong khi đó đảng đối lập CNRP dành được 2,94 triệu phiếu. Kết quả này không khác với công bố hồi giữa tháng 8.2013 của Ủy ban Bầu cử đã công nhận chiến thắng thuộc về đảng CPP. Như vậy CPP sẽ vẫn điều hành chính phủ Campuchia và ông Hun Sen tiếp tục làm thủ tướng.
Trước đó, đảng CNRP đã liên tiếp khiếu nại khi đòi xem xét kết quả bỏ phiếu tại các địa phương Kratie, Seam Riep, Battampang rồi Kan Dal. Sau khi xem xét các khiếu nại của CNRP thông qua 4 phiên tòa khác nhau, Hội đồng Hiến pháp Campuchia tuyên bố giữ nguyên kết quả bầu cử vì khẳng định không có gian lận và những sai sót kỹ thuật không ảnh hưởng đến kết quả chung. Ngày 7.9, CNRP còn tổ chức biểu tình tại Phnom Penh gây sức ép để NEC hoãn công bố kết quả bầu cử và đòi thành lập Ủy ban Điều tra hỗn hợp để điều tra lại toàn bộ cuộc bầu cử ngày 28.7. Mặt khác, CNRP cũng đánh tiếng “thương lượng” với CPP, một động thái mà trước đây họ thẳng thừng từ chối.
Phản ứng sau công bố của NEC, lãnh đạo đảng CNRP chiều qua đã tổ chức họp báo tại trụ sở đảng này. Ông Sam Rainsy tuyên bố sẽ “tiếp tục đấu tranh” phản đối kết quả bầu cử mà NEC vừa công bố. Trang mạng chính thức của CNRP còn đăng tải tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình lớn từ ngày 15 - 17.9 nếu yêu sách của họ không được đáp ứng.
Theo quy định, quốc hội Campuchia sẽ nhóm họp chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày bầu cử. Theo một lãnh đạo Đài truyền hình quốc gia Campuchia thì ngay cả khi quốc hội mới nhóm họp, phe đối lập cũng sẽ phản ứng đại loại như không tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, theo luật pháp Campuchia, nếu một đại biểu dân cử mà không tham gia quốc hội thì sẽ tiến cử người có số phiếu cao kế tiếp. Nếu tình huống này diễn ra thì đây sẽ là cơ hội cho ứng viên của các đảng nhỏ vốn chưa đủ phiếu để có đại diện trong quốc hội. Thực tế, trong quá khứ, đảng đối lập Campuchia từng tuyên bố tẩy chay, nhưng sau đó xuất hiện trong quốc hội vì sợ mất ghế nghị sĩ.
Hiện tại tâm lý lo sợ bạo động vẫn len lỏi trong đời sống người dân Campuchia. Tại thủ đô Phnom Penh, trong ngày diễn ra biểu tình 7.9, nhiều trung tâm thương mại đã đóng cửa. Khu chợ Mới, một trung tâm thương mại lớn ở gần Quảng trường Dân chủ đã có đến 70% gian hàng đóng cửa. Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý, đổi tiền cũng tạm ngưng giao dịch.
Tiến Trình - Minh Quang
(từ Phnom Penh)
>> Tăng cường an ninh ở Phnom Penh
>> Campuchia đưa thêm xe thiết giáp đến Phnom Penh
>> Quân đội Campuchia tiến vào Phnom Penh
>> Nổ bom ở Phnom Penh
>> Phnom Penh 'tê liệt' vì chiến dịch bầu cử
Bình luận (0)