Lắp ổ điện ở vị trí thấp như thế này có thể gây nguy hiểm cho trẻ - Ảnh: Shutterstock |
Mới đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một trẻ nam, 18 tháng tuổi (ở Hà Nội), nhập viện trong tình trạng quấy khóc nhiều và có một sợi chỉ thò ra từ da vùng cùng cụt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ dự đoán khả năng cháu bé bị một chiếc kim khâu đâm sâu vào bên trong với cái “đuôi” là sợi chỉ. Mẹ của cháu cho biết, cháu bé vẫn được dùng bỉm như mọi khi, có thể chiếc kim lẫn vào trong bỉm mà gia đình không biết.
Bệnh nhân nhanh chóng được chụp X quang. Kết quả trên phim chụp thấy có hình ảnh kim khâu tại vùng lưng cùng cụt. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ đã lấy ra chiếc kim dài khoảng 5 cm. Thạc sĩ Lê Ngọc Duy, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: “Những tai nạn như thế này rất nguy hiểm nếu chiếc kim bị gãy hoặc đâm sâu vào tủy sống”.
Tại Viện bỏng Quốc gia, nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do bỏng cháo, bột; do ngã phải nồi canh nóng, do phích nước sôi đổ, vỡ. Có trẻ bị ngã vào chậu nước nóng do người lớn pha nước tắm cho trẻ. Nguyên nhân của tai nạn do người lớn sơ suất: thay vì đổ nước nguội vào trước sau đó pha dần nước nóng cho vừa ấm thì lại làm ngược, đổ nước nóng vào chậu trước. Đứa trẻ đi tới và ngã vào nên bị bỏng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Viện bỏng Quốc gia, lưu ý rằng viện thường xuyên tiếp nhận trẻ bị bỏng hơi do nồi cơm điện. “Trên nắp nồi cơm điện có lỗ thoát hơi. Các bé nghịch thường thò tay vào đó. Đáng lưu ý, da của các bé là da non, trong khi hơi từ nồi cơm, nhất là khi cơm sôi thì rất nguy hiểm, sẽ gây bỏng sâu, đau đớn, vết thương lâu lành”.
Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) từng tiếp nhận một số bệnh nhi bị chấn thương sọ não do ngã cầu thang. Có trường hợp trẻ tử vong do ngã từ trên tầng cao của ngôi nhà đang xây xuống. “Nhiều trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt, lỗi do người lớn không sắp xếp các vật dụng đồ dùng hợp lý, không có cửa chắn cầu thang, để trẻ chơi trong khu vực đang xây dựng khiến tai nạn thương tâm xảy ra ngay tại gia đình”, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tiến Quyết cho biết.
Còn Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý các bậc cha mẹ lựa chọn đồ chơi phù hợp lứa tuổi của trẻ. Tại Khoa Nhi từng tiếp nhận bé trai 5 tuổi, nhập viện do nuốt một viên bi. “Cũng may là viên bi đi thẳng xuống dạ dày rồi sau đó được tống ra ngoài theo đường tiêu hóa. Cực kỳ nguy hiểm nếu viên bi đó lạc sang đường thở, có thể khiến cháu bị tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm tính mạng”, tiến sĩ Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng người lớn cần có ý thức về “ngôi nhà an toàn” cho trẻ. Việc này không đòi hỏi tốn kém mà vấn đề là ý thức sắp xếp đồ đạc, vật dụng trong gia đình hợp lý. Ví dụ, ổ điện ở vị trí cao, có vật chắn để trẻ không thò tay hay dùng các que nhỏ để chọc vào; các đồ dùng sinh nhiệt để vị trí xa tầm tay của trẻ; lối ra cầu thang có cửa chắn để trẻ không dễ bị trượt ngã. Người lớn cần lưu ý khi chọn mua đồ chơi và hướng dẫn cho trẻ cách chơi an toàn.
“Trong gia đình nếu có đồ gương, kính cần hết sức cẩn trọng vì có trẻ nhỏ đã bị đứt rời ngón chân do tấm kính rơi vào chân khi đang chơi ở nhà”, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Việt Đức, khuyến cáo.
Nam Sơn
Bình luận (0)