(TNO) Cuộc nội chiến tại Syria thực tế đã sản sinh ra nhiều lực lượng chống đối chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad trên diện rộng về ý thức hệ và lãnh thổ.
Hãng tin CNN (Mỹ) hôm 7.9 đã liệt kê những lực lượng chính thuộc phe nổi dậy tại Syria:
1. Quân đội Giải phóng Syria
Quân đội Giải phóng Syria (FSA) được thành lập bởi đại tá Riyad al-Asad hồi tháng 7.2011 và được các nước phương Tây hậu thuẫn, theo CNN.
Hiện lực lượng này được dẫn dắt bởi tướng Salim Idriss.
|
Do không phải là một lực lượng vũ trang có tổ chức chặt chẽ với hàng ngũ chỉ huy được phân cấp rõ ràng, nên FSA chủ trương mở rộng cửa chào đón tất cả những ai muốn gia nhập.
Tuy nhiên, FSA đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ nội bộ, theo CNN. Các chỉ huy của FSA ở Syria luôn tỏ ra không hòa hợp với nhóm lãnh đạo lực lượng này ở nước ngoài.
Nhóm lãnh đạo này, vốn đang trú ngụ tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc với khuynh hướng tôn trọng nhân quyền của toàn thể người dân Syria, CNN cho biết.
Sau khi gặp gỡ với tướng Idriss hồi tháng 5, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nhận định: “Tướng Idriss và các chiến binh của ông ấy có chung nhiều quyền lợi với chúng ta”. Washington được cho là đã viện trợ phi quân sự cho FSA và cũng đã cam kết sẽ cung cấp vũ khí cho lực lượng này, mặc dù lời cam kết này vẫn đang trong trạng thái... chờ.
FSA được cho là có mặt trên khắp Syria với khoảng 80.000 quân. Nhưng CNN cho biết FSA hiện đang suy yếu rất nhiều do có nhiều chiến binh bỏ đi vì muốn phục vụ cho một lực lượng có tổ chức chặt chẽ hơn, với lý tưởng mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, cũng có một bộ phận FSA rời bỏ đội ngũ để tìm những lực lượng có nguồn ngân sách dồi dào hơn.
2. Nhóm Hồi giáo ôn hòa
Các nhóm Hồi giáo ôn hòa tại Syria có chung ý thức hệ với Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.
Các nhóm này đã hợp nhất thành Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Syria (SILF), một liên minh gồm 19 thành viên được thành lập hồi tháng 9.2012. SILF tuyên bố hiện có hơn 40.000 chiến binh.
Một trong số những thành viên của SILF là Lữ đoàn Tawhid, lực lượng nổi dậy mạnh nhất tại tỉnh Aleppo, miền bắc Syria.
Còn tại thủ đô Damascus, lực lượng chủ lực của liên minh này là Liwa al-Islam, có khả năng đang sở hữu hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại, theo CNN.
Lữ đoàn Faruq, lực lượng chủ lực của SILF tại tỉnh miền trung Homs, đã gây "sự chú ý" của thế giới khi đoạn video quay cảnh một thành viên của lực lượng này ăn sống tim của một quân sĩ quân đội chính phủ Syria được tung lên mạng.
|
SILF có hợp tác với FSA và đã phối hợp tác chiến trong nhiều chiến dịch. Liên minh này cũng có liên hệ với các nước phương Tây nhưng vẫn không nhận được bất kỳ viện trợ nào.
3. Nhóm Hồi giáo Salafist
Nhóm Hồi giáo bảo thủ cực đoan Salafist là những người có tư tưởng chống chủ nghĩa hiện đại và ảnh hưởng của phương Tây lên thế giới Hồi giáo.
|
Nhóm Salafist đã truyền bá những bài diễn thuyết phân biệt giáo phái cay độc miêu tả cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Alawite là những người dị giáo đáng bị xử tử và liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào thường dân Hồi giáo Alawite tại Syria.
Mặc dù là nhóm thiểu số, nhưng người Hồi giáo Alawite tại Syria chiếm ưu thế về chính trị trong nhiều thập niên. Tổng thống Bashar al-Assad cũng là người Hồi giáo Alawite.
Vào tháng 12.2012, 11 nhóm Hồi giáo Salafist đã hợp nhất thành Mặt trận Hồi giáo Syria (SIF). Trong số này có Ahrar al-Sham, một trong những lữ đoàn thuộc phe nổi dậy mạnh nhất tại Syria, có mặt tại các tỉnh từ Latakia đến al-Raqqa.
SIF tự nhận là có tổng cộng hơn 30.000 binh sĩ, gồm cả một số thành viên là người nước ngoài. SIF không dùng phương thức đánh bom tự sát, nhưng lại có khuynh hướng đánh bom bằng xe hơi, nhằm vào lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Assad.
Mặc dù có mục tiêu mơ hồ, nhưng SIF đã liên tục đề cập về vai trò của đạo Hồi tại Syria trong tương lai, đồng thời tuyên bố rằng “đường lối của chúng tôi là ôn hòa”.
SIF cũng khẳng định rằng xung đột của tổ chức này chỉ nằm tại Syria và các lữ đoàn của tổ chức cũng đang hợp tác với các nhóm quân nổi dậy khác. SIF đồng ý tiếp xúc với phóng viên phương Tây nhưng né tránh hợp tác với chính phủ phương Tây.
4. Chiến binh thánh chiến Jihad
Mặc dù gần đây các tay súng Jihad có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda mới gia nhập cuộc nội chiến tại Syria, nhưng họ hiện đang là nhóm mạnh nhất trên chiến trường.
Jabhat al-Nusra, lực lượng tập trung những chiến binh này, được thành lập vào tháng 1.2012.
|
Lực lượng này bao gồm những cựu chiến binh Syria từng tham chiến tại Iraq trong thời gian Mỹ còn đồn trú quân sĩ tại đó. Jabhat al-Nusra đi tiên phong trong việc triển khai đánh bom tự sát nhằm vào cả thường dân lẫn mục tiêu quân sự tại Syria.
Vào tháng 4, nhánh Iraq của Al Qaeda đã thành lập một tổ chức có tên gọi là Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria (ISIS). Tổ chức này nhanh chóng nhận được sự hưởng ướng của nhiều đơn vị thuộc Jabhat al-Nusra.
ISIS có mặt hầu như khắp mọi nơi tại Syria, theo CNN. Tình báo Mỹ tin rằng hiện có hơn 6.000 chiến binh Jihad ngoại quốc chiến đấu tại Syria, bao gồm cả người phương Tây.
Những chiến binh này giết hại người Hồi giáo Alawite, bắt cóc người phương Tây và tấn công cả những lực lượng nổi dậy khác.
Với sức mạnh ngày càng gia tăng, các nhóm Jihad đã tiêu diệt những lực lượng khác để chiếm lĩnh căn cứ, cũng như vũ khí.
Hoàng Uy
>> Tổng thống Mỹ hoan nghênh đề xuất của Nga về Syria
>> Lãnh đạo Thượng viện Mỹ hoãn bỏ phiếu về Syria
>> Tổng thư ký LHQ kêu gọi tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria
>> Dấu hiệu thỏa thuận bí mật về Syria
>> Syria có thể tránh bị tấn công nếu giao nộp vũ khí hóa học
Bình luận (0)