|
Ngày 10.9, TAND H.Bắc Bình (Bình Thuận) lại đưa “kỳ án trộm dê” ra xét xử sơ thẩm lần thứ 12.
Theo cáo trạng của Viện KSND H.Bắc Bình (ban hành ngày 25.11.2005), đêm 28.5.2005, Trần Thị Kim Nguyệt (ngụ thị trấn Lương Sơn) đến chuồng dê ở thôn Hòn Mốc, xã Sông Bình (cùng H.Bắc Bình), mở cửa rồi bắt đi 52 con dê đưa lên ô tô chở đi. Sau đó, Nguyệt đem 24 con đến xã Lương Sơn gửi người quen nuôi, số còn lại (28 con) đưa về H.Hàm Thuận Bắc (cũng thuộc tỉnh Bình Thuận) cất giấu.
Sáng hôm sau, vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và ông Lê Văn Thái đến chuồng dê, phát hiện mất đàn dê nên báo công an. Ngày 29.5.2005, Công an H.Bắc Bình tiến hành thu hồi được 24 con dê ở Lương Sơn, bàn giao tạm cho bà Y. Biên bản bàn giao ghi rõ không được trao đổi, mua bán, chờ quyết định của cơ quan CSĐT (nhưng tới nay đàn dê đã mất hết không còn con nào - PV).
Bắt rồi tha, tha rồi bắt
Ngày 31.5.2005, Cơ quan CSĐT Công an H.Bắc Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyệt về tội trộm cắp tài sản. Đến ngày 7.10.2005, Viện KSND H.Bắc Bình ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ biện pháp tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyệt. Đến ngày 23.11.2005, bà Nguyệt bị bắt giam trở lại, đến ngày 28.1.2006 thì được hủy bỏ biện pháp tạm giam...
Vụ án khá đơn giản, nhưng qua nhiều phiên tòa vẫn không xử được với nhiều nguyên nhân. Trong đó, tại phiên xét xử lần thứ 10 (ngày 12.7.2013), HĐXX mới phát hiện người tham gia tố tụng với tư cách bị hại là Lê Thị Kim Y (vợ), nhưng đơn tố cáo lại do Lê Văn Thái (chồng) đứng tên.
Chưa hết, ngoài chuyện "vật chứng" (đàn dê) đã bị bà Y bán sạch, mà ngay cả hồ sơ gốc của vụ án là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nơi có chuồng dê) để chứng minh tài sản của ai cũng đã bị cán bộ TAND H.Bắc Bình “bàn giao” cho bà Y, đến thời điểm xét xử bà Y đã sang tên khác và đem thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, bị cáo Nguyệt luôn kêu oan, cho rằng đàn dê này của mình, vì liên tục bị mất trộm nên lùa đi gửi nơi khác. Việc mất dê cũng được Nguyệt báo cáo và công an xã cũng có đến lập biên bản. Mặt khác, bị cáo Nguyệt cũng đã có đơn kiện dân sự tranh chấp đàn dê với bà Y, nhưng chưa được tòa thụ lý.
Luật sư tố tòa “không trung thực”
Tại phiên tòa sáng qua, ngay trong phần thủ tục luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) đã đề nghị thay đổi toàn bộ HĐXX, vì cho rằng HĐXX đã không trung thực khi ra quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm (lần thứ 11 vào ngày 13.8.2013) với lý do “hoãn phiên tòa do LS đề nghị vì không giao quyết định xét xử vụ án cho LS”. Theo LS Thiện, việc ông đề nghị hoãn tòa lần thứ 11 là do "bị cáo yêu cầu thay đổi thư ký phiên tòa", nhưng HĐXX không chấp nhận yêu cầu này.
Trong phần thẩm vấn buổi chiều, chủ tọa tập trung xét hỏi bị cáo Nguyệt về nguồn gốc đàn dê, như: Hùn hạp với ai? Nuôi từ thời điểm nào? Lý do lùa đàn dê đi nơi khác?... Bị cáo Nguyệt trả lời: "Đàn dê do bị cáo nuôi một mình, không nuôi chung với ai. Khi thấy cha dượng bán đàn dê cho người khác nên phải lùa đi nơi khác cất giữ".
Tình tiết khá đặc biệt là khi thẩm vấn bị cáo Nguyệt và nhân chứng Văn Thị Ỏn (mẹ Nguyệt), chủ tọa lại đưa bản phô tô giấy thỏa thuận chia lợi nhuận từ đàn dê giữa Nguyệt và gia đình ra hỏi có phải chữ ký của bị cáo hay không, bị cáo Nguyệt trả lời: "Phải có bản chính mới xác thực được?". Tương tự, chủ tọa hỏi bà Ỏn giấy bán trang trại cho bà Y (bản viết tay nhưng cũng là phô tô) có phải là chữ ký của bà hay không, bà Ỏn khẳng định không hề ký giấy này. Chủ tọa cho rằng, dù là bản phô tô, tòa vẫn có thể sử dụng, nếu cần thiết thì đưa đi giám định chữ ký.
Hôm nay 11.9 phiên tòa tiếp tục.
Vi phạm tố tụng, vô cảm với dân Trao đổi với Thanh Niên, LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng một vụ án không mấy phức tạp, tài sản không lớn nhưng các cơ quan tố tụng để kéo dài 8 năm là điều không thể chấp nhận được. “Ở đây tôi cho rằng không chỉ vi phạm về mặt tố tụng mà còn thể hiện sự vô cảm của các cơ quan tố tụng đối với người dân, trong đó trách nhiệm lớn nhất là tòa án”, ông Hậu nói. Không đề cập đến vụ việc cụ thể, song ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nhận định một vụ việc đưa ra xét xử cả chục lần nhưng không có kết quả cuối cùng là một điều bất bình thường và cơ quan chức năng cần phải làm rõ, kể cả việc có tiêu cực hay không. "Các phiên chất vấn trước Quốc hội, kể cả các phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND tối cao và Viện KSND tối cao cho biết án tồn đọng rất nhiều. Tình trạng án tồn đọng có liên quan đến cả hệ thống gồm điều tra, truy tố, xét xử. Nhìn nhận từ hệ thống nhưng để giải quyết thì cần phải phân tách rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Tòa có thể thấy rõ từ hồ sơ vụ án để biết là có xử được hay không, không xử được thì đó là trách nhiệm của cơ quan điều tra, còn tòa đưa ra nhưng hoãn đi hoãn lại là trách nhiệm của tòa”, ông Cương nói. Trả lời Thanh Niên hôm qua 10.9, ông Đồng Văn Ích, Chánh văn phòng TAND tối cao cũng cho rằng ngành tòa án đang cố gắng giải quyết tình trạng án tồn đọng, theo tinh thần chỉ đạo cải cách tư pháp. "Luật pháp có thể bất cập lúc này lúc khác nhưng quan trọng nhất là về con người, và để khắc phục tình trạng án tồn đọng, án hủy, án tuyên không rõ ràng là phải đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng năng lực trình độ thẩm phán", ông Ích nhìn nhận. Thái Sơn |
Quế Hà
>> Viện KSND tối cao yêu cầu báo cáo 'kỳ án trộm dê
>> “Kì án” trộm dê hoãn lần thứ 11
>> Vụ án trộm dê xử tới lần thứ 10 vẫn hoãn
>> Bế tắc vụ án trộm dê
Bình luận (0)