|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho biết, hiện tại đã có nhiều ngân hàng (NH) chủ động làm việc với VAMC, và mọi kế hoạch về mua lại nợ xấu đang được lên phương án để có thể xử lý sớm nhất. Công ty này chỉ mua lại các khoản nợ xấu có giá trị trên 3 tỉ đồng (đối với khách hàng vay là tổ chức) và trên 1 tỉ đồng (đối với khách hàng vay là cá nhân).
Sẽ "khan" nợ xấu ?
|
Là một “siêu” công ty với nhiều cơ chế ưu ái, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại về tính khả thi của VAMC. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, thông thường NH nào cũng chỉ thích xử lý dứt điểm nợ xấu một lần cho xong, nhận tiền mặt và xóa sạch nợ xấu ra khỏi nội bảng. Còn TS Cấn Văn Lực, hàm Phó giám đốc NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), bản chất của việc mua nợ xấu bằng trái phiếu chỉ là treo nợ lại, mà theo quy định tại thông tư thì thời hạn này là 5 năm. Mỗi năm, các NH vẫn phải trích 20% mệnh giá trái phiếu để giảm trừ giá trị về số nợ cần cân bằng trước khi bán. Quan trọng hơn, sau 5 năm nếu VAMC không xử lý được thì các NH lại phải nhận lại khoản nợ xấu “độc hại” này về.
Vì lo ngại các NH không bán theo hình thức trái phiếu, nên NHNN phải “thòng” quy định, nhà băng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ phải bán lại, nếu không sẽ thanh tra, kiểm toán và buộc phải bán. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, dù có ép như vậy thì khả năng VAMC “khan” hàng để mua là rất cao, khi mà ngay tại báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố, NH nào cũng đẹp, nợ xấu đa phần chỉ dưới 3% tổng dư nợ. “VAMC sẽ mua cái gì khi mà ngân hàng nào cũng sợ bị mất uy tín, sợ bị khách hàng, cổ đông nghĩ mình kinh doanh kém nên nợ xấu cao. Nên họ phải giấu nợ đi, và họ cũng không muốn bán nợ xấu để nhận lại một tờ giấy mà chưa biết công ty này hoạt động ra sao, và việc tái cấp vốn có dễ dàng không”, chuyên gia này cho biết.
Lỗ ai chịu ?
Theo quy định tại thông tư này, trái phiếu đặc biệt của VAMC không được giao dịch mua bán trên thị trường, chỉ dùng để tái cấp vốn tại NHNN, nên ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng cho rằng, điều này có thể dẫn tới tình trạng các NH phải “xếp gạch” tại cửa NHNN để chờ được bơm tiền. Đây sẽ là lý do để các NH không muốn mua, không muốn năn nỉ khi vẫn phải bỏ tiền ra để trả lãi, trả nợ gốc sau khi trái phiếu đáo hạn và hằng năm vẫn phải bỏ tiền ra trích lập đủ 20% mệnh giá dự phòng rủi ro.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, bình luận việc mua đứt bán đoạn sẽ hấp dẫn NH hơn, khiến NH nhiệt tình mà bán thẳng nợ xấu cho VAMC theo giá thuận mua vừa bán, tùy thuộc vào mức độ độc hại của nợ xấu. Nhưng muốn làm như vậy thì ngân sách phải bỏ ra vài tỉ USD, trong khi với vốn điều lệ chỉ có 500 tỉ đồng, điều này là không thể. Do đó, việc “xử” nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt là con đường có lẽ gần như là duy nhất, nhưng lại rất khó khả thi. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại khi đặt câu hỏi: trái phiếu “đặc biệt” của VAMC là loại trái phiếu gì, khi bản thân nó không phải trái phiếu Chính phủ, không phải trái phiếu công ty được Chính phủ bảo lãnh như trái phiếu NH Phát triển Việt Nam, trái phiếu NH Chính sách xã hội và cũng khác xa với tín phiếu NHNN, vốn là loại giấy tờ có giá đứng đầu về giá trị trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở. Cũng vì chưa có tiền lệ nên vẫn còn một băn khoăn của chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh về mặt pháp lý: “VAMC hoạt động theo luật doanh nghiệp, nếu trái phiếu đó không có giá trị do VAMC hoạt động không hiệu quả, mua bán nợ xấu bị lỗ, thì ai sẽ chịu trách nhiệm”.
Anh Vũ
Bình luận (0)