Các vị thuốc: đỗ trọng, thỏ ty tử, kỷ tử - ảnh: K.Vy |
Nhiều người thắc mắc về tình trạng bị đau gót chân. Theo lương y Trần Duy Linh, kinh nghiệm cho thấy chứng đau này sẽ làm cho người bệnh cảm giác khó chịu khi di chuyển. Đau gót chân thường xảy ra ở những người làm công việc phải đứng nhiều, chơi thể thao bị chấn thương, do hoạt động quá sức, bị gai gót chân, thoái hóa xương gót, viêm gân, viêm dây chằng, do yếu thận (theo đông y).
Ở bài viết này, đề cập đau gót chân theo lý giải của đông y. Lý giải về đau gót chân do yếu thận, lương y Trần Duy Linh cho biết: theo đông y, là do mạch khí của túc thiếu âm thận, bắt đầu từ huyệt dũng tuyền ở giữa lòng bàn chân, tiếp đến huyệt nhiên cốc, rồi đến huyệt thái khê. Thái khê huyệt vị ở vào mặt trong phía sau mắt cá chân, chỗ lõm giữa gân gót và nơi nhọn của mắt cá trong. Tiếp theo là huyệt đại chung (nằm trong chỗ lõm vùng gân gót bám vào). Chiếu hải và thủy tuyền là hai huyệt cũng được khu trú trong vùng gót chân của chúng ta. Và, kinh lạc chẩn là một cách để thầy thuốc đông y chẩn đoán bệnh qua những bất thường như đau, tê, ngứa hay ẩm ướt dọc theo lộ trình mà các đường kinh của lục phủ ngũ tạng đi qua. “Điều này lý giải cho chúng ta bệnh lý đau gót chân mà không tìm ra nguyên nhân, sau khi đã sử dụng các biện pháp cận lâm sàng thích hợp để tìm nguyên nhân hoặc đã điều trị nhưng kết quả không như mong đợi”, lương y Duy Linh cho biết.
Tuy nhiên, để được xác định là đau gót chân do yếu thận, bệnh nhân cần tham khảo qua thầy thuốc. Riêng đông y có bài thuốc dùng cho trường hợp đau gót chân do nguyên nhân này. Đó là: thục địa 1 lượng, hoài sơn 4 chỉ, sơn thù 2 chỉ, bạch linh 3 chỉ, đơn bì 2 chỉ, trạch tả 2 chỉ, lục thốn 4 chỉ, kỷ từ 2 chỉ, đỗ trọng 3 chỉ, phá cố chỉ (1 chỉ), hán phòng kỷ 3 chỉ, độc hoạt 2 chỉ. Nếu người bệnh có thêm các triệu chứng lạnh chân, tiểu đêm, tiểu nhiều thì gia thêm nhục quế 1 chỉ, thỏ ty tử 2 chỉ.
Cách sắc (nấu): mỗi thang sắc 2 lần nước, mỗi lần với 3 chén nước, sắc còn 8 phân, sau khi sắc xong, hòa chung 2 nước thuốc rồi chia ra 2 lần dùng trước khi ăn khoảng 1 giờ. Chú ý, nhớ bỏ 3 lát gừng tươi khi sắc thuốc. Nếu người bệnh lâu năm, nên uống trong vòng 2 tuần mới thấy bệnh thuyên giảm, vì đây không phải toa thuốc trị phong thấp, đau nhức như thường gặp, mà là bài thuốc bổ thận để giải quyết tận nơi gây ra đau gót chân là do tạng thận suy yếu.
Khánh Vy
Bình luận (0)