(TNO) Số bệnh nhân đến các bệnh viện (BV) tại TP.HCM khám đau mắt đỏ không ngừng gia tăng trong tháng 9, thời điểm bệnh đang vào mùa.
|
Bệnh dễ lây lan
10 ngày đầu tháng 9, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại BV Mắt TP.HCM đã gần 550 người (mỗi ngày hơn 50 ca), gần gấp đôi các ngày của những tháng trước.
Trong khi đó, những ngày đầu tháng 9, phòng khám mắt của BV Đại học Y dược TP.HCM cũng tiếp nhận hơn 20 ca bệnh đau mắt đỏ mỗi ngày (chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân khám tại phòng khám mắt), trong khi những tháng trước đó chỉ khám cho 2 đến 3 ca đau mắt đỏ mỗi ngày.
Chị Lê Thị Kim Bích (22 tuổi, ở Cần Giờ) đến khám đau mắt đỏ tại BV Đại học Y dược sáng 13.9 cho biết, chị đau mắt gần một tuần nay, lúc đầu chỉ một người trong gia đình chị bị đau, sau đó người này đã lây cho tất cả các thành viên còn lại. Chị quyết định đến BV khám khi cảm thấy mắt cộm, ghèn nhiều, sưng đỏ và đau.
Bác sĩ (BS) Phan Thị Anh Thư, phụ trách khám tại phòng khám mắt sáng 13.9 cho biết, đa phần bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ đều chưa xảy ra biến chứng mà mới ở giai đoạn đầu là sưng đỏ, ghèn nhiều, ngứa. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân ở tỉnh đến khám khi thị lực kém. Nguyên nhân là trước đó đã chữa bệnh đau mắt đỏ nhưng biến chứng để lại những chấm viêm lan tỏa nên bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ.
|
Theo BS Hồng Văn Hiệp, Trưởng khoa Mắt, BV Đại học Y dược TP.HCM, thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường khiến bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát.
Bắt đầu từ tháng 9, những bệnh nhân đến khám về đau mắt đỏ tăng nhiều, khai thác bệnh sử đa phần bệnh nhân đến khám đã đau, đỏ mắt từ hai ngày đến một tuần.
BS Hiệp cho biết, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, do nhiễm vi trùng, vi rút..., cũng có thể do tác nhân môi trường, hóa chất nhưng vào mùa dịch, bệnh chủ yếu do nhiễm vi rút adenovirus.
Bệnh diễn tiến nhanh, từ khi bắt đầu có triệu chứng cộm nhẹ đến đỏ, sưng có khi chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Bệnh lây theo đường tiếp xúc trực tiếp như dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và lây cho người khác nên thường người trong gia đình, trường học, công sở dễ lây cho nhau.
Không tự ý nhỏ thuốc
Cũng theo BS Hiệp, bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài khoảng hai tuần và đa số đều tự khỏi, chỉ số ít trường hợp biến chứng viêm giác mạc làm giảm thị lực, nặng nhất là mù mắt.
Việc điều trị không đúng làm bệnh trở nặng, nhiều người bệnh tự ý mua thuốc nhỏ mắt như thuốc chứa corticoid làm lở loét gây nhiễm trùng giác mạc, bệnh kéo dài gây bội nhiễm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc để nhỏ mắt.
Thời điểm viêm cấp tính khi dịch tiết nhiều sẽ dễ lây lan cho người khác là trong một tuần đầu. Tốt nhất thời điểm này bệnh nhân nên ở nhà. Khi mắt đã bớt thì mới đi học, đi làm.
Đồng thời, để tránh lây cho người khác thì bông băng vệ sinh mắt mà người bệnh đã dùng cần bỏ vào thùng rác, không nên dùng khăn lau đi lau lại nhiều lần. Những người xung quanh cần tránh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh.
BS Hiệp cũng lưu ý, khi cảm giác mắt cộm, xốn đỏ, chảy nước mắt, ngủ dậy thấy ghèn tiết nhiều... người bệnh cần đến BV khám, nhất là khi trong gia đình, lớp học, hay cơ quan đã có người bị. Phụ huynh cần để ý đến trẻ vì trẻ thường không ý thức được bệnh và dùng tay dụi nhiều dễ làm lở loét và gây viêm giác mạc.
Hà Minh
>> Đau mắt đỏ lăm le tấn công trường học
>> Bệnh đau mắt đỏ gia tăng
>> Tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
>> Bệnh đau mắt đỏ vào mùa
Bình luận (0)