Lão nông gom đá vá đường

17/09/2013 09:58 GMT+7

Nhiều con đường quê ở 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) trở nên khang trang, sạch đẹp nhờ sự đóng góp của lão nông Nguyễn Văn Bảy.

Lão nông gom đá vá đường

Ông Bảy bên những phần thưởng được trao tặng - Ảnh: An Hòa

Làm đẹp đường quê

Gần 20 năm qua, người dân địa phương đã quen với hình ảnh ông Bảy (86 tuổi, ngụ ấp Long Bình, xã Long Khánh B) kéo chiếc xe đẩy đến các công trình xây dựng xin xà bần, đem về đập nhỏ, lấp những chỗ lõm trên mặt đường. Chỗ nào u lên, ông cẩn thận dùng đầm nện xuống cho bằng phẳng để xe dễ qua lại. Ngay như tuyến đường nối liền 2 xã cù lao Long Khánh A và Long Khánh B dài khoảng 8.000 m được trải nhựa từ nhiều năm trước, nhưng cũng xuất hiện nhiều ổ gà. Mỗi khi mùa mưa tới, xe chạy qua lại dằn xóc, nước bắn tung tóe vào người đi đường. Thấy vậy, ông Bảy tự bỏ tiền túi mua đá, nhựa đường... về cặm cụi vá lại.

Ngoài con đường chính, người dân ở đây thường đi con đường tắt nối giữa 2 xã. Tuy nhiên, do đường này chưa được bê tông hóa, nên đến mùa mưa bị lầy lội, đi lại rất khó khăn. Ông Bảy tâm sự: “Tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ, đi học té lên té xuống khiến quần áo, cặp sách lấm lem”. Nhiều năm qua, ông đã nung nấu ý định thảm nhựa lại con đường này. Tính ra, tổng chi phí thực hiện gần 200 triệu đồng, trong khi ông chỉ có vỏn vẹn 3 triệu đồng. Từng bước vận động các mạnh thường quân, bà con góp công, góp của, cuối cùng con đường nhựa rộng 1,4 m, dài khoảng 1.000 m đã hoàn thành trong sự vui mừng của người dân xứ cù lao.

Ông Lê Văn Sẽ, Trưởng ấp Long Bình, nhẩm tính: “Ngoài vô số những tuyến đường dặm vá, ông Bảy đã vận động nâng cấp 4 tuyến đường tắt với tổng chiều dài khoảng 8.000 m”.

Sống khỏe nhờ làm việc thiện

 
Gia đình tui ăn ít quen rồi, nên chi phí hổng có bao nhiêu. Từng tuổi này tui vẫn sống khỏe mạnh chắc là nhờ... đi làm đường
Ông Nguyễn Văn Bảy

Ông Bảy nhiệt tình làm từ thiện trong khi cuộc sống gia đình rất khó khăn. Căn nhà thấp lè tè là nơi tá túc cho 3 người. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nỉ, năm nay 79 tuổi, đã bị lẫn, nói trước quên sau. Người con gái độc thân ngoài 50 tuổi không có việc làm ổn định. Cả nhà chỉ trông chờ vào 3 công đất ruộng cho mướn với giá 6 triệu đồng/năm, riêng ông Bảy được hưởng trợ cấp xã hội 180.000 đồng/tháng. Khi được hỏi về gia cảnh, ông Bảy nói vui: “Gia đình tui ăn ít quen rồi nên chi phí hổng có bao nhiêu. Từng tuổi này tui vẫn sống khỏe mạnh chắc là nhờ... đi làm đường”.

Ông Bảy kể có lúc đang đập xà bần, bị gạch bắn vô tay đau điếng, rồi làm liên tục mấy ngày trong khi tuổi đã cao nên thấy mệt. Nhưng hơn hết, tinh thần ông luôn thoải mái khi nhìn thành quả mình đã được. Ông tâm sự về những buồn vui của việc vá đường: “Có người hiểu nên ủng hộ rất nhiệt tình, nhưng cũng không ít người nói những lời khó nghe, thậm chí còn trách móc”. Tuy nhiên, ông Bảy luôn tâm niệm “sức mình tới đâu thì làm tới đó” và tiếp tục công việc vá đường, làm lộ. Ông Phạm Văn Khiếp, Phó chủ tịch UBND xã Long Khánh B, nói: “Chú Bảy đã không ngại tuổi tác, hoàn cảnh khó khăn để làm nhiều việc có ích cho địa phương. Chúng tôi rất trân trọng những tấm lòng như vậy”.

Trong căn nhà đơn sơ của mình, ông Bảy đem cho chúng tôi xem bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giao thông, Hiệp sĩ giao thông; nhiều giấy khen từ cấp tỉnh đến xã… mà ông nhận được nhiều năm qua. Song, với ông Bảy, có lẽ hình ảnh những đứa học trò ngày ngày đi lại trên con đường bằng phẳng, sạch sẽ mới chính là liều thuốc quý để ông có thể sống lâu hơn và làm thêm nhiều việc thiện.

An Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.