|
Đã hơn 3 tháng nay, điện thoại trực ban Công an P.14, Q.3 (TP.HCM) liên tục bị chọc phá bất kể ngày hay đêm. Điện thoại đổ chuông nhưng khi trực ban bắt máy, bên kia im lặng rồi cúp. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an P.14, cho biết sau khi sự việc xảy ra công an phường thay máy hiện số để ghi lại số gọi đến và ghi nhận các số máy quậy phá đều thuộc sim điện thoại di động khuyến mãi, như 01278622016, 01234071274, 01272892596...
Đổi số để “trốn”
Sau một thời gian điều tra, Công an P.14, Q.3 đã xác định thủ phạm quậy phá là bà Trần Thị H. (47 tuổi, trú tại P.11, Q.Phú Nhuận). “Chính tôi trực tiếp gọi điện yêu cầu bà H. lên làm việc để giải thích nhưng bà không chịu hợp tác và cứ tiếp tục chọc phá điện thoại”, trung tá Dũng kể.
Rạng sáng, nửa đêm gì bà H. cứ liên tục gọi, mỗi ngày cả trăm cuộc, chỉ có nước rút dây điện thoại thì bà không gọi nữa. Nhưng đâu có rút dây được, vì điện thoại trực chiến, nếu trên địa bàn phường có chuyện gì sao người dân gọi được |
||
Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng công an P.14, Q.3, TP.HCM |
||
Trước đó bà H. gửi đơn tố cáo ông T., trụ trì một ngôi chùa trên địa bàn P.14, Q.3. Công an phường có mời hai bên làm việc, nhưng kết quả xác minh không đúng như tố cáo của bà H. Sau khi làm việc với công an trở về, bà H. bắt đầu “nhá máy” đến ĐTDĐ của thiếu tá Đỗ Văn Dão (cảnh sát khu vực, người đứng ra hòa giải vụ việc). Thiếu tá Dão phải thay số điện thoại khác để “trốn”. Không gọi được cảnh sát khu vực, bà H. quay sang số điện thoại công an phường. “Rạng sáng, nửa đêm gì bà H. cứ liên tục gọi, mỗi ngày cả trăm cuộc, chỉ có nước rút dây điện thoại thì bà không gọi nữa. Nhưng đâu có rút dây được, vì điện thoại trực chiến, nếu trên địa bàn phường có chuyện gì sao người dân gọi được”, trung tá Dũng cho biết.
Từ tháng 6 đến nay, trung tá Dũng đã ký 4 báo cáo đề xuất Công an Q.3 tìm cách chặn các số điện thoại của bà H., bên cạnh đó cũng liên tục phối hợp với Công an P.11 (Q.Phú Nhuận) mời bà H. lên làm việc, nhưng bà này không đến. Công an tiếp tục mời 2 người con của bà H. nhưng cả hai cũng không chấp hành. Khi cảnh sát khu vực và cán bộ địa phương tìm đến nhà thì bà H. khóa trái cửa...
Mỗi ngày quậy 200 cuộc
Tại Bình Dương, chiều 16.8, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (PC64) Công an tỉnh phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã An Điền (H.Bến Cát) đưa ra giáo dục trước dân và công bố quyết định xử lý vi phạm hành chính, phạt cảnh cáo đối với Võ Thị T. (31 tuổi), Hồ Ngọc D. (25 tuổi) và Nguyễn Thị Thu P. (13 tuổi, tất cả cùng ngụ ấp An Sơn, xã An Điền, H.Bến Cát) vì đã gọi gần 10.000 cuộc điện thoại quấy rối Cảnh sát 113. Mỗi ngày, từ sáng sớm đến 21 giờ đêm, Võ Thị T., Hồ Ngọc D. và Nguyễn Thị Thu P. đã gọi khoảng 200 cuộc đến đường dây nóng 113 nhưng không báo tin tức gì. Đặc biệt, cả 3 còn cài đặt chế độ tự gọi lại và chuyển cuộc gọi giữa 3 số điện thoại của họ để gọi vào số 113. Khai với cơ quan công an, cả 3 cho rằng do gọi vào những số đường dây nóng của công an được miễn phí nên quậy phá cho... vui!
Còn tại Cần Thơ, từ ngày 26.7 đến 30.7, Lê Phạm Hướng D. (21 tuổi, ngụ KV.2, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng) đã dùng thuê bao 01287026624 gọi đến số máy 113 của Trung tâm cảnh sát phản ứng nhanh gần 500 cuộc chỉ để báo tin giả, nói chuyện với lời lẽ thô tục và thách thức. Nhưng theo thông tin PV Thanh Niên nhận được thì Lê Phạm Hướng D. cũng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 1,5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP.Cần Thơ đã xử lý 38 người quấy rối số máy 113. Trong đó cũng chỉ cảnh cáo 5 trường hợp và xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp với số tiền từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Cần mạnh tay xử lý
Trao đổi với PV Thanh Niên, hầu hết các chuyên gia pháp lý đều khẳng định tình trạng này hoàn toàn có thể mạnh tay xử lý dứt điểm bằng các công cụ pháp luật hiện có.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty luật Minh Mẫn) phân tích, hành vi của bà H. đã vi phạm pháp luật, gây rối, cản trở hoạt động trực ban sẵn sàng chiến đấu của Công an P.14, Q.3, vốn là những hoạt động bình thường của cơ quan công an địa phương. “Hành vi này đủ yếu tố để xử phạt hành chính”, luật sư Chánh nói. Trường hợp xử phạt hành chính rồi vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.
Ở góc độ khác, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, điện thoại trực ban của công an phường nhằm phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh phòng chống tội phạm của đơn vị công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Do vậy việc khủng bố điện thoại của công an phường cả ngày lẫn đêm đã làm cản trở hoạt động, nghiệp vụ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đơn vị công an, có dấu hiệu chống người thi hành công vụ theo điều 257 Bộ luật Hình sự.
Lê Nga - Công Nguyên
Bình luận (0)