Các thành viên trong nội các mới đều là chính trị gia chứ không phải nhà chuyên môn và tân Ngoại trưởng Julie Bishop là thành viên nữ duy nhất. Có thể thấy được dấu hiệu về chiều hướng thiên hữu và bảo thủ trong chính sách cầm quyền của ông Abbott. Sự phân chia quyền lực giữa các đảng phái tham gia chính phủ liên hiệp cho thấy ông ưu tiên cho việc giữ được chính phủ ổn định. Một trong những lý do chính khiến Công đảng mất vị thế cầm quyền trong cuộc bầu cử mới rồi là tranh giành quyền lực nội bộ dữ dội đến mức nhiều lần thay đổi lãnh đạo và chính phủ. Ưu tiên lớn tiếp theo của ông Abbott là duy trì tăng trưởng kinh tế. Kinh tế không phải là nhân tố quyết định kết quả của cuộc bầu cử vừa qua nhưng chắc chắn sẽ là một trong những tác nhân quyết định ông Abbott sẽ tiếp tục tại vị hay bị thay thế ở lần tới. Ở Úc đã bắt đầu có những dấu hiệu và tín hiệu về thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng kinh tế năng động liên tục sắp kết thúc.
Điều đáng chú ý nữa là sự điều chỉnh ưu tiên về đối ngoại, cụ thể là tập trung hơn cho châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là giải quyết vấn đề tị nạn, liên quan nhiều nhất tới Indonesia và cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Vị thủ tướng mới chưa bắt đầu cầm quyền đã tính đến giữ quyền.
Thảo Nguyên
>> Thủ tướng Úc trước nguy cơ mất ghế
>> Úc sẽ tập trung hải quân lên phía bắc
>> Một cán bộ thuế Bạc Liêu thừa nhận tạt a xít Việt kiều Úc
>> Sữa tươi Devondale của Úc vào Việt Nam
Bình luận (0)