|
Trắng đêm bẫy chuột
Chiều xuống, tại cánh rừng tràm Huệ Đức nằm giữa 2 xã Vọng Thê (H.Thoại Sơn) và Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang), hàng chục chiếc xuồng đi đánh rập (bẫy) chuột tụ tập náo nhiệt dưới bến sông. Trong lúc chờ xuất bến, mọi người cặm cụi kiểm tra bình ắc quy, đèn, rập… chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi thâu đêm. Ai cũng tranh thủ ăn vội bữa cơm chiều đạm bạc với món chính là thịt chuột. Anh Nguyễn Văn Sớm (42 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, H.Châu Phú) cho biết: “Tùy đồng gần hay xa mà tụi tui xuất bến sớm hoặc muộn. Thông thường, độ 4 giờ chiều thì khởi hành, chừng 6 giờ 30, trễ lắm là 7 giờ tối phải đến nơi. Để bẫy được nhiều chuột, hai cha con tui phải đi xa hàng chục cây số”.
Tùy đồng gần hay xa mà tụi tui xuất bến sớm hoặc muộn. Thông thường, độ 4 giờ chiều thì khởi hành, chừng 6 giờ 30, trễ lắm là 7 giờ tối phải đến nơi. Để bẫy được nhiều chuột, hai cha con tui phải đi xa hàng chục cây số |
||
Anh Nguyễn Văn Sớm |
||
Trời vừa chạng vạng, cả nhóm người bắt đầu chia nhau tỏa đi khắp các cánh đồng bạt ngàn tìm chỗ đặt rập chuột. Người đặt nhiều khoảng 500 - 600 cái, ít cũng chừng 300 - 400 cái. Mùa lũ, các cánh đồng đều ngập chìm trong nước, chuột không thể ở trong ruộng lúa nên tìm chỗ bờ cao, có nhiều bụi cỏ để trú. Đặt rập chuột không cần mồi nhử, chỉ cần nhìn theo bờ cỏ, thấy có dấu chân chuột đi qua tạo thành con đường mòn là đặt rập vào đón đầu. Chuột sẽ đi theo lối mòn cũ và chui đầu vào rập.
Khi đi đặt rập chuột, người ta thường mang theo thùng đá để khi chuột chết vì sập bẫy quá lâu sẽ làm thịt, ướp lạnh ngay tại chỗ. Đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu cuốn rập, kết thúc một đêm làm việc vất vả. Chuột mang về đem luôn vào chợ hoặc điện thoại cho thương lái đến tận chỗ thu mua. Anh Sớm cho biết mỗi đêm anh đặt 400 cái rập, bắt được khoảng 100 con. Chuột hiện nay có giá 35.000 đồng/kg, chuột chết ướp nước đá 25.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng.
Những tay bẫy chuột về đến nhà đã 7 - 8 giờ sáng. Lúc đó, họ mới bắt đầu ngả lưng, ngủ vùi một giấc bù lại cho nguyên đêm thức trắng ngoài đồng. Khi kim đồng hồ chỉ đến 4 giờ chiều, họ lại chuẩn bị đồ nghề, tiếp tục một chuyến bẫy chuột mới.
Cái nghèo đeo bám
Đa phần người làm nghề bẫy chuột đều thuộc diện hộ nghèo, làm nhiều năm cũng chẳng có dư, chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Vì thế, con cái học cao lắm cũng tới lớp 4, 5 là cho nghỉ. Nhiều người còn quan niệm chỉ cần học vài ba chữ, chủ yếu phải làm được cộng, trừ, nhân, chia để lớn lên biết tính toán tiền bạc làm ăn.
Anh Đỗ Văn Lâm (ở ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê) cho biết vợ chồng anh cùng 4 đứa con quanh năm suốt tháng lênh đênh trên ghe đi khắp xứ, nghe chỗ nào có nhiều chuột là ghé lại. Mùa lũ cắm sào ở An Giang, những tháng nắng thì đến Sóc Trăng, Long An, có lúc sang tận Campuchia. “3 đứa lớn nghỉ học hết rồi. Trong nhà chỉ còn đứa nhỏ học lớp 3, đang ở với bà nội. Chờ khi nào nó biết đọc, biết viết chút đỉnh, tui cũng phải kéo về phụ gia đình bẫy chuột kiếm sống chứ tiền đâu học tiếp bây giờ”, anh Lâm nói.
Hiện nay, người đi bẫy chuột ngày càng đông trong khi lượng chuột đang giảm dần. Theo anh Lâm, trước đây chuột nhiều vô số kể, với 100 cái rập mỗi đêm bắt gần 1.000 con, còn bây giờ chỉ từ 100-150 con. Chuột cống nhum giá cao nhưng không bắt được nhiều, đa số là chuột cơm. “Đêm nào mưa to gió lớn, tui chỉ biết nằm nhà thở dài, lo ngày mai không có tiền đong gạo”, anh Lâm tâm sự.
Đặng Ngọc
Bình luận (0)