(TNO) Tháng 9, tháng 10 là thời gian dịch sốt xuất huyết bùng phát. Ở trẻ em, bệnh dễ dẫn đến sốc gây nguy hiểm tính mạng nên cần phát hiện kịp thời để bệnh không trở nặng.
|
Nhiều trường hợp biến chứng nặng
Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết BV tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện với những biến chứng nặng từ bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Đơn cử một trường hợp nhập BV Nhi đồng ngày 13.9 là một bé trai (7 tháng tuổi, ở Tây Ninh), bé nhập viện trong tình trạng sốc SXH, da tím, ói. Người nhà cho biết, bé bị sốt đến ngày thứ tư thì gia đình đưa đến BV địa phương, do bị suy hô hấp nên được chuyển lên BV Nhi đồng 1.
BS Tiến cũng dẫn ra một trường hợp bé gái (7 tuổi, ở Vũng Tàu) bị sốt liên tục bốn ngày, đến ngày thứ năm đau bụng, ói ra dịch nâu, tay chân lạnh, bé được đưa đến BV địa phương thì được chẩn đoán sốc SXH. Sau đó, bé biểu hiện suy hô hấp, ói ra máu nên được chuyển đến BV Nhi đồng 1.
Theo BS Tiến, SXH ở trẻ em dễ dẫn đến sốc hơn ở người lớn. Ở nhiều trường hợp bệnh khởi phát, diễn tiến nhanh và có biến chứng nặng như suy hô hấp, tràn dịch màng bụng, màng phổi, tổn thương gan, rối loạn tri giác, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh ở trẻ nữ đã dậy thì.
|
BV Nhi đồng 1 từng tiếp nhận một trường hợp bé trai (6 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM) trong tình trạng bứt rứt môi tái, mạch nhẹ, tay chân lạnh, được chẩn đoán sốc SXH. Khai thác bệnh sử ghi nhận bé đã sốt cao bốn ngày liên tục.
Sau đó, trẻ bớt sốt, than đau bụng, ói ra dịch nâu, tay chân lạnh, than mệt nên người nhà đưa đi cấp cứu. Tình trạng bệnh của bé diễn tiến phức tạp, gây ra nhiều biến chứng như tràn dịch màng bụng, màng phổi, suy hô hấp nặng, rối xuất huyết tiêu hóa...
Dễ nhầm lẫn
BS Tiến phân tích, với những bà mẹ có con đầu lòng còn ít kinh nghiệm theo dõi bất thường của con nên khi con bị sốt hay mua thuốc tây cho con uống. Ngoài ra, một số phụ huynh còn cạo gió, cắt lễ vì nghĩ con mình bị trúng gió. Đây là cách làm sai lầm.
BS Tiến cho hay, từng tiếp nhận một trường hợp bé trai bị sốc SXH và rối loạn đông máu, qua thăm khám thấy trên lưng nhiều nốt giác hơi. Người nhà của bé cho hay vì thấy bé sốt cao không đỡ nên đã thuê người về giác hơi cho bé. Sau đó, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm nên phải đưa đến BV.
Phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH để có cách xử trí đúng. Ở trẻ nhũ nhi những cơn sốt thường kèm triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi nên dễ nhầm với bệnh về đường hô hấp hay biểu hiện tiêu chảy, ói dễ nhầm với bệnh tiêu hóa.
Ở trẻ lớn, trẻ sẽ bị sốt liên tục dù trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, uống thuốc hạ sốt lại bị sốt lại, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, biếng ăn, mệt mỏi. Sau đó, trẻ bị đau bụng, chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu phân đen, nổi đốm xuất huyết ở da. Ở trẻ lớn có thể nhầm lẫn nhiễm siêu vi những ngày đầu vì bị sốt phát ban, nếu sốc ngày thứ ba của bệnh thì nhầm với sốc nhiễm trùng.
BS Tiến khuyên, nếu trẻ sốt trên hai ngày phải đưa đi khám, uống thuốc theo toa bác sĩ, uống nhiều nước, ăn nhiều bữa nhỏ, thức ăn lỏng, dễ tiêu và tái khám theo lịch hẹn bác sĩ.
Ngoài ra, cần để ý những dấu hiệu cảnh báo SXH nặng như đau bụng bứt rứt lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen để kịp thời đưa trẻ đi cấp cứu.
Phụ huynh cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, nếu trong nhà có vật chứa phải làm khô như lu nước, chén nước, ly nước cúng, bình hoa có chứa nước. Phải cho trẻ ngủ mùng, ngay cả ban ngày để tránh nguy cơ trẻ bị muỗi vằn tấn công.
Hà Minh
>> Sốt xuất huyết đang ở mức báo động
>> Hà Nội: Sốt xuất huyết diễn biến bất thường
>> Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh
>> Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết
>> Thêm ca tử vong do sốt xuất huyết
>> Hãy phòng chống sốt xuất huyết ngay tại gia đình bạn !
Bình luận (0)