Đây là vấn đề từng nổi lên trong vụ cháy chợ Quảng Ngãi hồi đầu năm 2012, cũng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, báo chí từng dẫn ý kiến ông Phùng Đắc Lộc, lúc ấy là Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết hiện những công ty bảo hiểm không muốn bảo hiểm hàng hóa cho các chợ. Theo đó, lượng giá trị tài sản ở các chợ rất lớn lại khó kiểm kê mà rủi ro cháy nổ thì khá cao, nên chẳng công ty nào muốn bán bảo hiểm. Lãnh đạo một công ty bảo hiểm khác cũng thẳng thắn thừa nhận chẳng mặn mà gì với việc bán bảo hiểm cho chợ. Người này cho biết thêm rằng nếu bán bảo hiểm thì chắc chắn mức phí cũng rất cao để bù đắp vào khả năng rủi ro lớn.
Thực tế, lo ngại của những công ty bảo hiểm là hoàn toàn dễ hiểu khi dư luận nhiều lần lên tiếng cảnh báo nguy cơ cháy nổ ở các khu chợ trong cả nước. Tuy nhiên, khi nhiều vụ cháy chợ liên tục xảy ra trong thời gian qua khiến rất nhiều tiểu thương khốn đốn thì vấn đề bảo hiểm cho họ cũng không thể trì hoãn thêm nữa. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần có một chương trình khả thi để thực hiện bảo hiểm cho tiểu thương nhằm phòng ngừa rủi ro. Phương án bảo hiểm bắt buộc cũng rất cần được tính đến, khi ngành giao thông đã áp dụng mô hình này trên xe gắn máy và ô tô. Tất nhiên, cơ quan chức năng cũng cần một số biện pháp song hành để phương án bảo hiểm bắt buộc không trở thành cơ hội cho các công ty bảo hiểm tận thu tiểu thương.
Muốn như vậy, chúng ta có thể hình thành cơ chế giám sát chéo. Với cơ chế này, nhà nước quy định khung giá bảo hiểm đối với các chợ nhưng công ty bảo hiểm lại thiết lập các tiêu chuẩn an toàn với sự tham vấn của cơ quan chức năng. Ngoài ra, nhà nước cũng đưa ra các quy định kèm hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những chợ hay tiểu thương vi phạm tiêu chuẩn an toàn. Thêm vào đó, những công ty bảo hiểm sẽ giám sát những tiêu chuẩn an toàn ở các chợ. Như vậy, điều kiện an toàn, chống cháy nổ cũng được nâng lên nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều bên và tiểu thương cũng an tâm hơn trước những rủi ro do hỏa hoạn gây ra. Mặt khác, để giải quyết vấn đề giá trị hàng hóa của tiểu thương, vốn rất khó xác định vì thiếu chứng từ, các công ty bảo hiểm có thể cho phép các tiểu thương tự đưa ra mức giá trị hàng hóa và phí bảo hiểm sẽ tỷ lệ thuận theo giá trị đó. Đây là cách thức mà một số công ty vận chuyển đã áp dụng cho bảo hiểm hàng hóa khi không có chứng từ xác minh giá trị.
Tất cả, nhằm hoàn thiện việc tổ chức bảo hiểm cho hàng vạn tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ trên cả nước. Nếu không, tình trạng mất trắng vì hỏa hoạn có thể lại xảy đến trong khi an toàn phòng chống cháy nổ vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng.
Ngô Minh Trí
>> Trung tâm thương mại Hải Dương có nguy cơ sụp đổ cao
>> Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương: Khám nghiệm hiện trường
>> Cháy rụi Trung tâm thương mại Hải Dương
Bình luận (0)