Trị quốc qua bút phê của hoàng đế

21/09/2013 11:00 GMT+7

Ngày 20.9, tại Trường lang Tử cấm thành (Đại nội - TP.Huế, Thừa Thiên-Huế), triển lãm Bút phê của các hoàng đế trên châu bản triều Nguyễn (1802 - 1945) lần đầu tiên diễn ra và kéo dài đến hết ngày 25.11.

 Trị quốc qua bút phê của hoàng đế 1
Công chúng tiếp cận châu bản triều Nguyễn - Ảnh: B.N.L

Thấy rõ bút tích của vua

Triển lãm do Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (thuộc Cục Văn thư lưu trữ quốc gia) tổ chức, công bố trên 150 tài liệu châu bản, từ triều Gia Long đến Bảo Đại. Qua các bút phê của các hoàng đế trên châu bản, nhiều nội dung liên quan đến trị quốc, an dân, chống tham nhũng đã được hé lộ.

Công chúng có cơ hội tiếp cận một loại hình văn bản có giá trị về lịch sử, văn hóa với các hình thức phê duyệt. Lần đầu tiên công chúng thấy được chữ viết của các hoàng đế triều Nguyễn. Từ các châu bản, cũng có thể hình thành nên “bộ sưu tập thư pháp thảo thư của các hoàng đế triều Nguyễn” với những nét chữ thảo khoáng đạt, có tính thẩm mỹ cao trong lối viết chữ của người xưa. 

 Trị quốc qua bút phê của hoàng đế 2
Tờ thân (trình) của thôn Phúc Lâm năm Gia Long thứ 2 (1803) có bút tích của vua Gia Long

Trị quốc qua bút phê của hoàng đế 3
Bản tấu của Phòng Văn thư năm Minh Mạng thứ 3 (1822) có bút tích của vua Minh Mạng - Ảnh: B.N.L chụp lại từ tư liệu gốc do ông Hải Trung cung cấp

Quan điểm và cách trị quốc của từng vị vua 

Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung - Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - qua bút phê trên châu bản của từng vấn đề, từng vụ việc mỗi vị hoàng đế đều có quan điểm và cách trị quốc, an dân khác nhau.

Vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, chủ yếu châu phê trên văn bản có nội dung kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên. Qua đó cho thấy Hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới việc tuyển binh lính dù đất nước đã thống nhất.

 

“Châu bản là văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và trình tấu lên hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...  Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác. Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn có 6 loại gồm: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Các hình thức ngự phê này là một trong những đặc trưng độc đáo của châu bản”.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. 

Trong khi đó, vua Minh Mạng lại tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm đạt đến cảnh dân an, nước thịnh. Đồng thời, lời ngự phê cũng thể hiện những cải cách trên các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, đào tạo tuyển chọn nhân tài, văn hóa dân tộc, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị, củng cố hệ thống nhà nước. Đáng chú ý vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ngự phê trên bản tấu của Phủ Nội vụ nêu việc quản lý thanh tra Phủ Nội vụ là Nguyễn Khoa Hào, Hoàng Quýnh trình tấu về việc Mai Bá Phương, Nguyễn Văn Tường ghi chép giấy tờ không chính xác trong thời gian kiểm tra các kho Diễn Hý, Dược Tài, vua Minh Mạng đã phê: “Cho cách chức ngay Mai Bá Phương, Nguyễn Văn Tường. Giao cho Vệ Cẩm y giam vào ngục cấm” (Châu bản Minh Mệnh tập số 8; tờ số: 33 -34).

Vua Thiệu Trị để bút phê trên châu bản lại chú trọng vào các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân đội, nông nghiệp và đê điều. Ông thích thơ văn, bản tính đằm thắm, nên lời phê dung hòa, nhẹ nhàng. Trong bản tấu của Nội các và quan viên Khoa Đạo trực ban năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) trình lên về việc Tả Tham tri Bộ lại Vũ Đức Khuê bỏ trực ban, nhà vua đã phê: “Vũ Đức Khuê bỏ trực ban, thật là không hợp, truyền phạt 3 tháng bổng. Lại truyền phàm từ sau, việc thu nhận đơn khiếu kiện, truyền đổi phái do Tam pháp ty thu nhận. Do đó việc trực ban, truyền cho quan ấn đường của 6 bộ, cứ một ngày đêm, 2 người luân phiên đổi trực” (Châu bản Thiệu Trị tập số 21; tờ số: 65 - 66).

Đặc biệt, vua Tự Đức đã để lại rất nhiều bút phê về những vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, phong tục tập quán, bang giao... Tại bản tấu của Nội các năm Tự Đức thứ 14 (1861) trình lên, về việc đề nghị đình thần giảm bớt phiền phức trong công văn giấy tờ, vua Tự Đức đã phê: “Từ nay về sau cứu duyệt xong, nếu như thấy thỏa hợp chỉ đem những tập đó tra với lệ định đã hợp rồi, tập nào không phù hợp thì chỉ đem tập trích ra” (Châu bản Tự Đức tập số 127; tờ số: 284 - 285).

Sau thời kỳ hưng thịnh, đến giai đoạn nhiều biến động lịch sử nên châu phê cũng có không ít nét khác biệt, trong đó vua Kiến Phúc chỉ có 1 tập. Vua Đồng Khánh thực tế không có thực quyền nên nội dung lời phê chủ yếu về chi tiêu trong hoàng cung, chi lương và thăng bổ quan lại.

Vua Thành Thái tập trung ngự phê chủ yếu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thăng bổ quan lại, binh biền. Nội dung ngự phê của ông thể hiện sự quan tâm đến sĩ số học sinh ở Trường Quốc Tử Giám, nội quy của Trường Tôn học, thăng bổ quan viên hay tình hình thí sinh ở trường thi các tỉnh. Ngự phê của vua Duy Tân trên châu bản mang nội dung chủ yếu ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thăng bổ quan lại....

Còn vua Khải Định, do bản tính và thời thế nên ông chỉ ngự phê chủ yếu các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại. Trong một bản tấu của Bộ Lễ năm Khải Định thứ 2 (1917), xin làm lễ thăng phối thánh vị cho Cảnh Tôn Thuần Hoàng đế, vua Khải Định đã phê: “Lễ Giao gần đến, việc triều chính bận rộn, hãy tạm từ từ bàn bạc, chờ chỉ cử hành” (châu bản Khải Định tập số 01; tờ số: 194 - 197).

Vua Bảo Đại trong ngự phê trên châu bản đã để lại cả ba loại văn tự Việt, Pháp, Hán, tập trung chủ yếu trên các văn bản có nội dung phản ánh về kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ, ngoại giao.

Bùi Ngọc Long

>> Triển lãm bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn
>> Bút phê
>> Triển lãm về cổ vật triều Nguyễn
>> Số hóa bản gốc mộc bản triều Nguyễn
>> Phục hồi đài dự báo thời tiết triều Nguyễn
>> Phục chế thành công 2 bộ nhạc cụ triều Nguyễn thất truyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.