Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang đẩy nhanh khả năng điều động lực lượng đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp tại biển Hoa Đông.
|
Những ngày gần đây, tình hình biển Hoa Đông vẫn căng thẳng khi Tokyo liên tục than phiền bị các tàu chiến lẫn máy bay do thám Bắc Kinh quấy rối. Đáp lại, Nhật thường xuyên phải điều các chiến đấu cơ đến khu vực mỗi khi phát hiện tàu hay máy bay “lạ”. Giữa bối cảnh như thế, Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đang nỗ lực trang bị phương tiện tối tân để có thể chỉ cần vài giờ đồng hồ là đủ sức nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự đến Senkaku/Điếu Ngư khi cần.
Không quân đấu với hải quân
Hiện Nhật Bản nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ, khi Washington vừa hoàn tất việc điều động 24 máy bay đa năng thế hệ mới Osprey MV-22B (còn có biệt danh là Ưng biển - NV) cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ Futenma ở Okinawa. Dòng máy bay độc nhất vô nhị này có thể cất cánh như trực thăng và bay đến 450 km/giờ, chở theo đến 32 binh sĩ vũ trang đầy đủ hoặc 6 tấn hàng hóa. Trong trường hợp tung toàn bộ lực lượng, 24 chiếc Osprey MV-22 có thể nhanh chóng chở 500 binh sĩ hoặc khoảng 140 tấn vũ khí và đạn dược đến vùng đảo tranh chấp trong vòng 1 giờ. Mới đây, Kyodo News dẫn lời trung tướng John Wissler, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa, cho hay có thể điều động số Ưng biển của phi đội đó đến Senkaku/Điếu Ngư nếu cần, theo hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ.
|
Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách đẩy mạnh tốc độ chuyển quân càng nhanh càng tốt. Hải quân Trung Quốc đã nhận chiếc tàu đệm không khí cỡ lớn tên Zubr (còn gọi là Bò rừng Bison - NV) do Ukraine chế tạo, và chuẩn bị bổ sung ít nhất 3 chiếc nữa.
|
Được Liên Xô thiết kế cho lực lượng hải quân đánh bộ với mục tiêu có thể nhanh chóng tấn công các quốc gia khối NATO dọc theo bờ biển Baltic, Zubr có thể chở theo 500 lính hoặc số xe bọc thép, vũ khí nặng đến 150 tấn với vận tốc 106 km/giờ. Chỉ cần 4 chiếc Zubr, hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển 2.000 quân hoặc đến 600 tấn vũ khí đến Senkaku trong vòng từ 4 đến 5 giờ, hoặc đảo Miyako-jima trong vòng 6 đến 7 giờ. Tất nhiên, Trung Quốc có thể chế tạo phiên bản nội địa dựa trên thiết kế của Zubr, và trong tương lai sẽ tăng mạnh khả năng chuyển quân đến nhóm đảo tranh chấp.
Dự án Cá voi xanh
Bên cạnh Zubr, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực phát triển máy bay cánh quạt nghiêng, dự án đã được nước này theo đuổi suốt thập niên qua. Trong một tiết lộ gây sốc, website của Viện Phát triển và Nghiên cứu trực thăng Trung Quốc (CHRDI) vào ngày 28.8 đã loan tin Trung Quốc đang phát triển một trực thăng 4 cánh nghiêng, gọi là Cá voi xanh, với mục tiêu vận chuyển 20 tấn hàng hóa với tốc độ hơn 483 km/giờ, bán kính triển khai 800 km. Một chiếc Cá voi xanh mới đây đã được trình làng tại triển lãm công nghệ trực thăng Trung Quốc tại Thiên Tân, cho thấy chương trình này vẫn đang được triển khai. Nghe qua, chức năng của Cá voi xanh có nhiều điểm quá tương đồng với chương trình đã bị hủy của Bell-Boeing vào năm 2009, chế tạo trực thăng V-44 cho lục quân Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bắc Kinh làm thế nào để vượt qua các thách thức mà theo một nghiên cứu của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ đánh giá phải mất từ 20 đến 25 năm mới xử lý được.
Chính những động thái trên của Bắc Kinh khiến Tokyo vẫn chưa hoàn toàn an tâm dù được hỗ trợ bởi 24 chiếc Osprey. Nhật đã bắt đầu cân nhắc khả năng phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm bắn 500 km, để đặt nhóm đảo trên vào tầm bảo vệ. Tên lửa tất nhiên bay nhanh hơn Osprey, nhưng động thái này có thể khuyến khích Bắc Kinh có cớ triển khai thêm tên lửa, cũng như khiến Đài Bắc lên tiếng phản đối.
Thụy Miên
>> Nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông
>> Nhật chuẩn bị ứng phó tình hình biển Hoa Đông
>> Nhật chuẩn bị điều tàu ra biển Hoa Đông
>> Biển Hoa Đông suýt xảy ra sự cố
>> Mỹ, Nhật lên kế hoạch đối phó tình huống xấu nhất tại biển Hoa Đông
>> Nhật, Trung Quốc thi nhau tập trận gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật có thể đưa người ra Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)