Lãi suất cho vay còn cao, việc hoàn thuế giá trị gia tăng chậm... là hai trong số những khó khăn mà doanh nghiệp TP.HCM đang phải gánh chịu trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn, nhưng doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với lãi suất cao - Ảnh: Đ.N.T |
Những thông tin trên được phản ánh tại buổi làm việc hôm qua (21.9), giữa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với các sở ban ngành và các doanh nghiệp (DN) lớn tại TP.HCM, nhằm khảo sát tình hình kinh tế xã hội, thu chi ngân sách và hoạt động của DN.
Triển khai chính sách quá chậm
|
Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, cho biết hầu hết các DN BĐS hiện nay bị kiệt về tài chính, nợ cũ còn cao trong khi vay mới không được. Đa số DN BĐS từ lỗ đến huề vốn, kể cả những DN lớn. Chiến lược chung của các DN ngành này là tạm dừng đầu tư, bán phá giá rút lui khỏi thị trường hoặc chỉ tập trung vào dự án cốt lõi, thu hẹp hoạt động và giảm bớt nhân viên. Gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho thị trường BĐS vừa qua khi đi vào thực tế còn quá chậm. Tại địa bàn TP.HCM đến nay hầu như chưa có DN nào được hưởng gói hỗ trợ này. Chương trình chuyển đổi căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng rất chậm. DN sốt ruột chờ được giải quyết trong khi mỗi ngày đều phải trả lãi vay khá nặng. “Nên có thêm những gói hỗ trợ tài chính bổ sung cho BĐS để tái cơ cấu nợ xấu vì nếu BĐS chết thì ngân hàng và các ngành liên quan như công ty tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng cũng chết theo. Càng để lâu càng nguy hiểm”, ông Hiếu nói. Đó là chưa kể vẫn còn nhiều quy định bất cập trong các thủ tục liên quan đến vấn đề góp vốn bằng giá trị đất, DN làm nhà cho thuê thì không được đi thuê đất mà phải mua nên số tiền thuế sử dụng đất quá lớn, vượt quá khả năng của DN...
Ở một khía cạnh khác, theo ông Đỗ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy hải sản, từ năm 2009 đến 2011 công ty liên tục bị lỗ 10 - 15 tỉ đồng/năm. Sau nhiều nỗ lực như khai thác thị trường mới, thực hành tiết kiệm triệt để, 8 tháng đầu năm nay công ty đã có lãi. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn đối diện với những khó khăn về nguồn vốn. “Dù thuộc một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn lãi suất (LS) thấp nhưng bản thân công ty vẫn phải vay vốn với LS khoảng 12%/năm thay vì 9%/năm dành cho các DN thủy hải sản”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, ông Vinh cũng cho biết việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) còn khá chậm. Theo quy định, các DN sẽ được hoàn thuế trong thời gian tối đa 60 ngày, nhưng số tiền thuế GTGT của DN này năm 2012 khoảng 11 tỉ đồng vẫn chưa được hoàn lại. Từ ngày 1.7, khi áp dụng quy định mới yêu cầu các bộ hồ sơ hoàn thuế của DN phải được xác minh cho đến người bán cuối cùng, ông Vinh lo rằng các DN thủy hải sản gặp nhiều khó khăn và quá trình hoàn thuế GTGT sẽ kéo dài hơn khi việc mua nguyên liệu trải rộng trên cả nước.
Ngày càng ít DN có lãi
|
Cục Thuế TP.HCM cho biết, theo số liệu quyết toán thuế 2012, tỷ lệ DN báo cáo có số dương (có lãi) là 36%, nhưng quý 1/2013 chỉ còn 33% và sang quý 2/2013 là 28%. Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thu ngân sách khu vực nội địa 8 tháng đầu năm nay mới đạt 65% dự toán. Các chỉ số kinh tế xã hội có tăng nhưng thực tế các DN vẫn khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tồn kho cao nên thuế nợ đọng gia tăng so với cuối 2012 làm ảnh hưởng đến số thu của 8 tháng vừa qua. Điều này còn thể hiện qua việc phát sinh số thuế truy thu và phạt gần 2.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giảm, gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ thì số thuế được gia hạn từ đầu năm đến nay gần 800 tỉ đồng cũng phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bà Nga cũng thừa nhận có nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thuế GTGT các DN, nhất là từ khi có Công văn 7527 của Bộ Tài chính ban hành ngày 12.6.2013 về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế thì việc xác minh, đối chiếu trải qua 5-7 khâu nên mất thời gian. Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản báo cáo vướng mắc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính và chờ hướng dẫn tháo gỡ khó khăn nói trên.
Về phía ngành ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đưa ra con số dư nợ cho vay với LS dưới 13%/năm hiện chiếm 70% tổng dư nợ trên địa bàn TP.HCM. Các khoản cho vay với LS trên 14%/năm thuộc những ngành phi sản xuất và tỷ lệ này chỉ chiếm 10% tổng dư nợ. Nhiều ngân hàng cũng đã có giải pháp xử lý nợ, tái cơ cấu nợ cho các DN tại TP.HCM. Cụ thể đã cơ cấu được nợ cho hơn 70.000 DN với tổng số tiền gần 278.000 tỉ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ của DN trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có 105.000 tỉ đồng thuộc diện cơ cấu lại thời gian trả nợ và số tiền còn lại là giảm LS về dưới 13%/năm. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Dũng, các DN nào thực sự gặp khó khăn về vốn hay phải vay với LS cao thì phản ánh với NHNN chi nhánh TP.HCM để được hỗ trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết Ủy ban ghi nhận ý kiến của các DN sẽ tiếp tục rà soát lại những bất cập trong luật Đất đai và luật Kinh doanh nhà ở để kịp thời chỉnh sửa ngay trong kỳ họp sắp tới.
Mai Phương
>> Bầm dập quyết toán thuế
>> Lãi suất cao ngất ngưỡng, doanh nghiệp phải làm gì?
>> Lãi suất cao, vay khó
Bình luận (0)