Sinh viên trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Quốc tế hóa môi trường đào tạo
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, quá trình hội nhập không thể đùng một cái mà phải có sự chuẩn bị chủ động từ nhiều năm trước đây. Các trường chưa chuẩn bị phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ. “Chẳng hạn, nên xây dựng chương trình học bằng tiếng Anh cho các ngành để đón tiếp sinh viên các nước khác”, ông Nghĩa cho biết.
Dù là trường ngoài công lập nhưng Hoa Sen là một trong những trường ĐH hiếm hoi ý thức quốc tế hóa môi trường đào tạo. Theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm nay chương trình học, tài liệu học tập của trường đều đã có phiên bản bằng tiếng Anh. Đặc biệt, từ năm 2011 trường có 4 ngành học sinh viên có thể chọn lựa học bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Ngay cả chương trình tiếng Việt cũng có những môn học bằng tiếng Anh. Riêng ngành du lịch và thiết kế thời trang, tất cả sinh viên bắt buộc phải theo học bằng tiếng Anh một học phần nhất định. Chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường từ năm 2006 cũng yêu cầu sinh viên phải có các chứng chỉ quốc tế thực sự.
Tiến sĩ Phượng nhấn mạnh: “Cách làm này của trường nhằm mục tiêu xa hơn là dù tốt nghiệp ở Việt Nam nhưng các sinh viên của trường cần phải có sức cạnh tranh với sinh viên bên ngoài, ít nhất là từ các nước trong khu vực”. Bà Phượng phân tích: “Chúng tôi đã cảnh báo cho sinh viên từ rất sớm về thị trường lao động mở vào cuối năm 2015, dù không cần đi đâu khỏi Việt Nam thì người khác vẫn sẽ đến đây và cạnh tranh gay gắt với mình. Do vậy, nếu không tự trang bị những điều kiện cần có, trước hết là ngoại ngữ, sinh viên sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua này”.
Tham gia vào hệ thống đánh giá của khu vực
|
Hiện nay có ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Cần Thơ là thành viên nòng cốt của Hiệp hội Các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) bao gồm 30 trường ĐH thành viên, là các trường hàng đầu của các nước ASEAN. ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 8 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn AUN. “Sự hội nhập còn phải thể hiện qua các chương trình trao đổi sinh viên, hệ thống chuyển đổi tín chỉ trong các trường ĐH của khu vực. Muốn vậy, các trường cần tham gia vào hệ thống các trường ĐH cùng các nước khác”, ông Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, muốn đào tạo sinh viên chuẩn bị cho quá trình hội nhập, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện tại, trường đã triển khai những giải pháp xây dựng các chương trình, kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế, phát triển các chương trình hợp tác quốc tế .
Việc trao đổi sinh viên cũng là một giải pháp để sinh viên có thể tìm hiểu thị trường lao động tiềm năng tại các nước. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia TP.HCM có chương trình trao đổi học tập với Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan); Trường ĐH FPT có chương trình trao đổi sinh viên với các nước Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Philippines.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng ngoài việc kiểm định chất lượng, mỗi khoa ở trường còn thành lập một ban cố vấn công nghiệp thường xuyên thư gửi đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài hỏi xem các đơn vị này nhận xét gì, cần gì ở người tốt nghiệp để cập nhật việc đào tạo theo nhu cầu.
Ngoại ngữ là vé thông hành
|
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), cho rằng ngoại ngữ chính là tấm vé bước qua cổng để vào hội nhập.
Bà Phương Anh phân tích: Việt Nam đã bàn đến chuyện ngoại ngữ cả hơn chục năm nay nhưng chưa có giải pháp căn cơ nên chưa thấy hiệu quả. Nói về Đề án ngoại ngữ quốc gia đến 2020 mà Việt Nam đang thực hiện, tiến sĩ Phương Anh cho rằng: “Chúng ta đang đi chệch hướng. Thay vì cần xác định mục tiêu riêng cho từng địa phương với sự đầu tư khác nhau thì đề án lại xác định một mục tiêu chung cho toàn quốc. Điều này là không khả thi vì mỗi nơi có trình độ phát triển không giống nhau”.
Ngoài tiếng Anh, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, cũng phải lưu ý đến ngôn ngữ trong khu vực. Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, học ngôn ngữ của quốc gia mình dự định tham gia lao động là điều cần thiết để người lao động dễ dàng hòa nhập.
Hiện có nhiều trường ĐH trong ASEAN đã có ngành Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt Nam. Cục Phát triển kỹ năng Thái mở chương trình kết hợp với các công ty tư nhân đào tạo tiếng Anh và các ngôn ngữ trong khối ASEAN. Còn tại Chiang Mai, thành phố phía bắc Thái Lan, Trung tâm nghiên cứu ASEAN vừa được thành lập tháng trước để giúp phụ nữ học về ngôn ngữ và văn hóa các nước Đông Nam Á. Chính phủ Thái Lan cũng có chương trình đào tạo 600 giáo viên dạy ngoại ngữ với ngân sách lên đến 2,5 triệu USD. Ngoài các thứ tiếng thông dụng của thế giới, còn có tiếng Việt, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Mỗi ngôn ngữ sẽ có 20 giáo viên được đào tạo.
Mỹ Quyên - Đăng Nguyên - Hà Ánh
>> Hội nhập ASEAN - Kỳ 1: Đại học Việt coi chừng chậm chân
Bình luận (0)