|
Quân đội Kenya đã tăng cường lực lượng để hỗ trợ cảnh sát bao vây khu vực này nhưng sau hơn 1 ngày, giao tranh vẫn tiếp diễn và các tay súng vẫn còn giữ nhiều con tin. Số thương vong không ngừng tăng lên. Tính đến tối 22.9 đã có ít nhất 59 người thiệt mạng, 175 người bị thương và 49 người mất tích, theo AFP. Trong số các nạn nhân tử vong, ngoài một số công dân Anh, Pháp, Canada... còn có cả thân nhân của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và nhà thơ nổi tiếng người Ghana Kofi Awoonor. Ông Awoonor từng là đại sứ của Ghana tại LHQ. Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Nairobi kể từ vụ đánh bom liều chết của al-Qaeda nhằm vào Đại sứ quán Mỹ năm 1998 làm hơn 200 người chết.
Tình hình phức tạp
Thông cáo của Bộ Nội vụ Kenya cho biết cảnh sát và quân đội đã nắm quyền kiểm soát nhiều tầng lầu của trung tâm Westgate và sơ tán khoảng 1.000 người nhưng vẫn còn 30 con tin bị bắt. Theo thông cáo, nhóm phiến quân khoảng từ 10-15 người. Đến trưa 22.9, cảnh sát Kenya tuyên bố đã xác định được vị trí của các tay súng nhưng vẫn phải “hành động một cách thận trọng” để tránh gây thêm thương vong. Nhiều nhân chứng cho biết vẫn tiếp tục nghe tiếng súng nổ trong suốt ngày hôm qua. Một số nguồn tin cho AFP hay lực lượng Anh, Mỹ và Israel đã có mặt để hỗ trợ quân đội Kenya.
|
Westgate mở cửa từ năm 2007 tại một trong những khu phố phồn thịnh nhất của Nairobi. Ngoài những cửa hàng sang trọng, trung tâm này còn có nhiều nhà hàng, ngân hàng, rạp chiếu phim nên thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày, chủ yếu là giới thượng lưu và người nước ngoài. Các phiến quân đột kích Westgate vào ngày cuối tuần nên lượng khách còn đông đúc hơn ngày thường. AFP dẫn lời nhân chứng Kenneth Kerich cho biết khi những tên này bất thần xông vào và bắt đầu xả súng tán loạn, mọi người hoảng loạn cực độ và tìm cách bỏ chạy, trốn ở mọi ngóc ngách có thể hoặc giả chết. Đến lúc cảnh sát kiểm soát được từng khu vực của Westgate và đảm bảo an ninh, những người may mắn thoát chết mới dám rời nơi ẩn náu. Nhiều người cho biết một số nạn nhân bị hạ sát theo kiểu hành quyết: bắt quỳ xuống và bắn từ phía sau.
Họa lớn từ năm 2011
Hôm qua, tổ chức al-Shabaab, lực lượng Hồi giáo vũ trang lớn nhất Somalia, đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Nhóm này khẳng định hành động để trả đũa chiến dịch quân sự của Kenya vào tháng 10.2011 ở miền nam Somalia: “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo. Những gì người Kenya chứng kiến tại Westgate là sự trừng phạt của công lý đối với tội ác do quân đội của họ gây ra cho người Hồi giáo Somalia. Kenya hãy rút hết quân khỏi đất nước chúng tôi”.
Hiện quân đội Kenya đang tham gia lực lượng quân sự của các nước châu Phi ở Somalia và từ năm 2011 đến nay đã giành nhiều chiến thắng quan trọng trước các tay súng Hồi giáo, theo Le Monde. Trên thực tế, tình hình Somalia trở nên bất ổn từ năm 1980 với sự phát triển của những tổ chức Hồi giáo vũ trang nhưng chính phủ Kenya hầu như chỉ giữ vai trò “người quan sát” hoặc can thiệp gián tiếp. Thậm chí, sau khi được thành lập vào năm 2007, al-Shabaab từng có thời gian dài tuyển mộ tân binh, chạy chữa cho các tay súng bị thương và thực hiện giao dịch tài chính ở Kenya. Tuy nhiên, từ lúc tổ chức này tăng cường tầm ảnh hưởng tại miền nam Somalia và thực hiện một số vụ bắt cóc con tin, thái độ của chính quyền Nairobi đã thay đổi. Mối đe dọa khủng bố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch, vốn là một trong những ngành trọng yếu của kinh tế Kenya. Sau khi nước này điều quân tham gia chiến dịch quân sự với Mỹ và một số quốc gia trong khu vực tại Somalia, phát ngôn viên của al-Shabaab Bashir Rage từng tuyên bố: “Nếu không rút quân, al-Shabaab sẽ tấn công Kenya và dân nước này sẽ lãnh hậu quả nặng nề”.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan tại châu Phi Theo Le Monde, 4 tổ chức Hồi giáo vũ trang có quy mô và ảnh hưởng lớn nhất ở châu Phi là al-Sabaab, Phong trào Độc tôn và Thánh chiến Tây Phi (MOJWA), chi nhánh al-Qaeda tại vùng Maghreb (AQIM) và Boko Haram. - Al-Shabaab: thành lập năm 2007 tại Somalia, tiền thân là nhánh cực đoan của tổ chức Liên minh các tòa án Hồi giáo. Ưu tiên của al-Shabaab là chống đối chính phủ và thiết lập lại luật Hồi giáo. Từ 2 năm qua, tổ chức này bắt đầu giữ khoảng cách trong quan hệ với al-Qaeda. - Boko Haram: thành lập năm 2002 tại Nigeria. Học theo Taliban ở Afghanistan, tổ chức này thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào chính phủ, cộng đồng Công giáo và chủ trương thiết lập luật Hồi giáo. - AQMI: chi nhánh của al-Qaeda, được thành lập năm 2007 tại Algeria. AQMI hoạt động chủ yếu ở Bắc Phi và khu vực ranh giới vắt ngang châu Phi với phía bắc là sa mạc Sahara, phía nam là Sudan. - MOJWA: thành lập năm 2011 tại Mali, chủ trương mở rộng phong trào Hồi giáo cực đoan tại các nước châu Phi hạ Sahara. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Thảm sát ở Kenya, 39 người chết
>> Thảm họa giao thông ở Kenya, 41 người chết
>> Một sân bay quốc tế ở Kenya đóng cửa do cháy lớn
>> Kenya bắn chết “vợ chồng khủng bố”
>> Khủng bố ở Kenya, 2 người Iran lãnh án chung thân
Bình luận (0)