Sau lũ là... sạt lở

24/09/2013 13:58 GMT+7

(TNO) Ngày 24.9, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cho biết sau lũ, địa phương đang đối mặt với tình trạng sạt lở trên nhiều tuyến giao thông huyết mạch.

* Kon Tum: 135 ngôi nhà ngập do lũ, thiệt hại 25 tỉ đồng

Lũ đang xuống ở các sông, nạn sạt lở núi trên các quốc lộ 2
Đá núi rơi xuống, chắn ngang QL24 - Ảnh: Phạm Anh

Theo báo cáo ngày 24.9 của UBND tỉnh Kon Tum, đợt mưa lũ này, cả tỉnh có 135 ngôi nhà bị nước dâng ngập, trên 200 ha lúa, hoa màu, cà phê, sắn, ao cá… bị ngập, trôi. Ngoài ra có hàng loạt công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại. Tổng thiệt hại đợt lũ vừa qua của tỉnh Kon Tum ước tính là 25 tỉ đồng.

Tuy lũ đã giảm, nhưng tỉnh Kon Tum lại đối diện với tình trạng sạt lở trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

Ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình giao thông Kon Tum (Khu Quản lý đường bộ 5) cho biết: Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Kon Tum, bị sạt lở hơn 10 điểm lớn, nhỏ với khối lượng khoảng hơn 1.000 m3.

Tại  khu vực đèo Lò Xo, xã Đăk Man, H.Đăk Glei, đất đá đã đổ hàng chục khối xuống hệ thống rãnh thoát nước. Trên Quốc lộ 24, có hàng chục điểm sạt lở, đất đá tràn ra đường, gây cản trở giao thông. Có nơi, ngoài đá tảng rơi, còn có cây lớn trên đỉnh núi cũng trượt rơi xuống lòng đường, rất nguy hiểm cho người đi đường và các phương tiện giao thông qua lại.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, sở dĩ lũ làm ngập nhiều nơi trên địa bàn là do các thủy điện xả nước hết công suất qua tràn.

Cụ thể, Thủy điện Plei Krông ngày 23.9 xả hết công suất qua tràn là 1.500 m3/s; Thủy điện Ya Ly xả 3.200 m3/s. Trước tình hình này, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các thủy điện cần xả nước đúng quy trình.

Sáng 24.9, xả lũ trên các thủy điện này đã giảm dần công suất.

Cùng ngày, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương này thiệt hại hơn 190 tỉ đồng vì bão số 8.

Toàn tỉnh có 2.361 nhà bị ngập, 22 nhà bị sập và trôi, 4.014 ha cây trồng bị ngập, trong đó có 2.022 ha lúa (1.814 ha bị mất trắng); mất trắng 22 ha ao nuôi cá; nhiều tài sản của người dân cùng gia súc gia cầm bị trôi. Có 16 công trình thủy lợi, 5 km kênh mương, 24 cầu, cống; 163 km đường giao thông bị hư hỏng. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính 193 tỉ đồng.

Trên địa bàn tỉnh có 7 người chết (6 người ở H.Ea Súp, 1 người ở H.Cư Mgar), 1 người bị thương và 2 người mất tích (đều ở H.Ea Súp).

Ngày 24.9, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cho biết từ đêm 23 đến sáng 24.9 mưa vẫn còn trên địa bàn nhưng không lớn nên mực nước ở các dòng sông Đăk Bla, Pô Kô, Đăk Tờ Kan đã hạ xuống còn ở trên mức báo động 1 từ 0,1 - 0,3 m.

Mức độ ngập lũ cũng giảm dần, trong đó vùng ngập nặng nhất là cầu tràn làng Lung, cầu tràn làng Khúc Na, X.Ya Xier, H.Sa Thầy (ngày 24.9 ngập trên dưới 2 m), sáng 24.9 nước đã rút hết.

Theo đó, hàng trăm hộ dân ở các vùng ngập lũ huyện Sa Thầy, Đăk Glei đã rời nơi trú ẩn về nhà dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, công trình giếng nước để sinh sống.

Phạm Anh - T.N.Quyền

>> Nạo vét, tận thu cát ở cửa biển gây sạt lở
>> Hơn 500 căn nhà có nguy cơ sạt lở
>> Sạt lở, hàng loạt căn nhà đổ xuống kênh
>> Đường lên cửa khẩu Cầu Treo bị sạt lở, giao thông ách tắc hoàn toàn
>> Bão số 8: Di dời dân khỏi vùng sạt lở
>> Huy động gần 1.000 người chống sạt lở bờ biển 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.