Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 9: Cái nhìn Bùi Giáng về Kim Dung

26/09/2013 10:45 GMT+7

Trong các tài liệu do gia đình thi sĩ Bùi Giáng vừa cung cấp qua đợt tưởng niệm 15 năm ngày mất của ông, có một số nội dung liên quan đến tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mà ông viết đến...


Bùi Giáng - ký họa của Đinh Cường 

Bùi Giáng đã dịch Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh và nhận định: “Những kiệt tác của Ngọa Long Sinh đi song song với Kim Dung và Gia Cát Thanh Vân - thực hiện cuộc chuyển biến dị thường trong lịch sử văn học tư tưởng Trung Hoa”. Không chỉ đọc suông, theo Bùi Giáng, đọc truyện võ hiệp là “một trong những phép tu dưỡng ký ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm. Chưởng lực, kiềm chế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện”. Riêng với thi sĩ, sách võ hiệp sẽ “giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ - điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng” (Sương Bình Nguyên, NXB Võ Tánh, Sài Gòn 1969).

Đoạn trên do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến trích dẫn về Bùi Giáng và Đỗ Long Vân với truyện võ hiệp trong tài liệu chúng tôi mượn được, có ghi nhận xét của Bùi Giáng về cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta - hay Hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân (NXB Trình bày, Sài Gòn 1967): “Ông Đỗ Long Vân nhận định thâm viễn khoảng vắng lặng vô ngôn trong sách vũ hiệp... Những khuyết điểm của bản dịch không làm trở ngại Đỗ Long Vân. Vì những kẻ tư tưởng chân thành, vốn thường nhận ra rất mau những gì gọi là “ý tại ngôn ngoại” hoặc “huyền ngoại chi âm” (âm thanh ngoài cây đàn - H.N.C) - hoặc “ngôn tại thử nhi ý tại bỉ” (lời ở đây mà ý nằm ở nơi khác - H.N.C)”. Bùi Giáng cũng viết “Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta để đọc lại”.

 

Những nhận định của Đỗ Long Vân về nội lực, về nguyên lý võ học và cơ cấu luận... đều bắt nguồn từ cái nhìn sâu thẳm vào tinh thể tinh yếu của vấn đề, và gợi cho người đọc rất nhiều dư hưởng mênh mông khát vọng từ các kiệt tác kim cổ Đông Tây (...). Còn Bùi Giáng có một cái nhìn rất lạ về tác phẩm Kim Dung nói riêng và sách báo võ hiệp nói chung.

Huỳnh Ngọc Chiến

Huỳnh Ngọc Chiến cho biết đôi dòng về Đỗ Long Vân “là người thâm cứu văn học Tây Phương, được đào tạo tại Pháp, nhưng tâm hồn ông lại hòa điệu và rất gần gũi với suối nguồn Đông Phương Sơ Thủy, nên dễ dàng thể hội phần tinh túy hoằng viễn trong tư tưởng Kim Dung bằng những suy niệm chân thành”.

Bùi Giáng đánh giá cao những gì Đỗ Long Vân bàn về Kim Dung và cho cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta đã “nằm trong vùng thâm viễn như cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông Phương Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng. Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Điều cốt yếu ông (Đỗ Long Vân) đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Đông Phương hay Tây Phương”.

Đến đây, để minh họa thêm cho các nội dung trên, chúng tôi trích mấy câu trong loạt bài Chuyện tình qua tiểu thuyết Kim Dung của Hồng Hạc và bài Xuân và hoa trong tiểu thuyết Kim Dung của Phi Pháp, đăng trên Báo Thanh Niên từ cuối năm 2005 (Hồng Hạc và Phi Pháp là hai bút danh khác của Giao Hưởng) như sau: “Là một vương tử, nhưng tâm hồn đa cảm của Đoàn Dự gần với gió bụi. Ông đi khắp giang hồ. Đến trước tượng thạch nữ sau núi Vô Lượng của phái Tiêu Dao, Đoàn Dự ngây ngất trước một "thiên nhan" mang hai quyền năng gần như mâu thuẫn nhau: sát sinh và tái tạo. Với những người muốn chiếm đoạt thạch nữ thì sẽ chết dưới chân "nàng". Với Đoàn Dự, thạch nữ đã "sinh" ra cho ông một niềm ngây ngất, nhẹ nhàng như hương trà mà ông từng nếm trải. Và cũng lạ lùng từa tựa như tâm thái quá thân thương trước một người xa lạ mà ta mới gặp và không giải thích được vì sao. Ngày kia, đôi mắt chứa những cơn sóng tình không ngừng vỗ của ông dừng lại ở một người: "Ôi Vương Ngữ Yên! Nàng ở đâu? Người con gái ấy chưa bao giờ động thủ, nhưng võ công nào cũng thấu triệt... Và mỗi lần nàng mở miệng mách một thế võ cho một cao thủ thượng thừa thì, nghe cái giọng yêu kiều và xa xôi như đến từ một thế giới khác, người ta muốn nghĩ rằng nàng ở giữa cuộc đời như nàng tiên của tri thức thuần túy (...). Tiếc thay võ học trong đời này chỉ là chuyện phụ. Người con gái ấy, cũng như Đoàn Dự, ngoài tình yêu chẳng coi gì là trọng (Đỗ Long Vân)”.

Đỗ Long Vân hạ bút: “Tham vọng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không bao giờ biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con hoang của mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ Dung Phục sẽ bị trừng trị đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá lớn, mà tại vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là tình yêu”. Bùi Giáng cũng vậy, ông viết: “Thật ra, sự vật không có phân ly chia cắt. Và nghệ thuật của con người xoay quanh một đề tài duy nhất là tình yêu muôn thuở vẫn gửi gắm về riêng một lời ước hẹn với Hữu Thể Sơ Nguyên”. (Còn nữa)

Giao Hưởng

>> Ấn tượng Bùi Giáng
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng
>> Đoản văn của Bùi Giáng
>> Tọa đàm thơ Bùi Giáng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.