Sử dụng lại vắc xin Quinvaxem có an toàn ?

27/09/2013 03:45 GMT+7

Sốc lại toàn diện công tác an toàn tiêm chủng đang được Bộ Y tế ráo riết thực hiện ngay trước thời điểm sử dụng lại vắc xin Quinvaxem từ tháng 10 tới.

Sử dụng lại vắc xin Quinvaxem có an toàn ?

Hai lô vắc xin V-GB-020812E và V-GB-030812E còn tồn kho tại Quảng Ngãi đang được bảo quản, chờ hướng dẫn của Bộ Y tế - Ảnh: Hiển Cừ

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết từ tháng 10.2013, vắc xin Quinvaxem sẽ chính thức được tiêm trở lại. Trung bình mỗi tháng có gần 400.000 trẻ cần được tiêm trên toàn quốc, như vậy ước khoảng 2 triệu trẻ đã ngưng tiêm trong 5 tháng qua, vì vậy đợt tới đây có thể sẽ khó khăn do các trẻ đến tiêm dồn. Ông Bình nhìn nhận: “Sự cố 5 trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem vừa qua thực sự cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng vắc xin trong các gia đình và nhân viên y tế, mặc dù các điều tra đã khẳng định chất lượng vắc xin đảm bảo”.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: “40% các ca tai biến sau tiêm Quinvaxem không rõ nguyên nhân, nhiều trường hợp chậm trễ hoặc không xác định chính xác nguyên nhân sự cố, nguyên nhân tử vong đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của các gia đình vào tiêm chủng”.

Không nhận quá 50 trẻ trong mỗi buổi tiêm 

GS-TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh: “Hai vấn đề mới nhất cho lần triển khai tiêm lại Quinvaxem, đó là các điểm tiêm không được tiếp nhận quá 50 trẻ trong mỗi buổi tiêm và sẽ chú trọng hơn chất lượng khám sàng lọc trước tiêm để có thể kiểm soát tốt nhất các trường hợp chống chỉ định hoặc tạm đình tiêm do không đủ điều kiện sức khỏe”. Ông Hiển cho biết thêm, các địa phương sẽ phải tăng cường bác sĩ tuyến trên về khám sàng lọc trong các ngày tiêm chủng (theo lịch). Ngay cả nhân lực cho tiêm chủng cũng đã tăng cường về số lượng và chất lượng, nhiều xã, phường đã có 6 - 8 nhân viên tiêm chủng. Tại các xã, phường có nhiều trẻ sẽ phải bố trí thêm các điểm tiêm để giảm tải.

“Hiện tại đã có 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem mới về đến VN, được kiểm định và phân phối đến các địa phương phục vụ cho tiêm chủng từ 1.10. Tiếp tục có 1,5 triệu  liều vắc xin này sẽ được nhập về trong thời gian tới”, ông Hiển cho biết.

Lưu ý khi tiêm

 

Chờ cơ quan điều tra kết luận

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình nói rõ: “Các địa phương có vắc xin viêm gan B thuộc lô tạm ngưng sử dụng vẫn phải tiếp tục bảo quản theo yêu cầu. Bộ Y tế đang chờ cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về chất lượng vắc xin thuộc hai lô này, sau đó mới có thể ra quyết định sử dụng trở lại hoặc ngưng sử dụng. Với vắc xin viêm gan B ngoài hai lô trên, việc tiêm cho trẻ sơ sinh vẫn thực hiện bình thường”.

Vắc xin Quinvaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà; viêm gan B; viêm màng não do vi khuẩn Hib. Lịch tiêm cho trẻ vào các tháng 2-3-4 sau sinh. Các trẻ đã tiêm nhưng gián đoạn thời gian qua do tạm ngưng vắc xin sẽ tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo. Các gia đình cần mang theo sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân, thông báo cho y tế về các mũi tiêm của trẻ trước đó.

Theo khuyến cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu nặng, bất thường sau tiêm: sốt cao (trên 39 độ C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả; bú kém, bỏ bú; phát ban hoặc các biều hiện bất thường khác.

Theo ông Hiển, cả nước có 12.000 điểm tiêm chủng, kiểm tra vừa qua cho thấy, một số nơi đã xuống cấp, chật hẹp, cần được khắc phục để đảm bảo an toàn tiêm. Từ đầu năm đến nay có 13 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin, trong đó có các trường hợp tiêm Quinvaxem và viêm gan B.

Liên Châu

>> Vắc xin Quinvaxem được sử dụng lại trong lo lắng
>> Tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem
>> Đề xuất tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem
>> Sử dụng lại vắc xin Quinvaxem

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.