Các bộ ngành cần tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh: A.V |
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu dù khó khăn đến mấy cũng không được giảm lương, bởi trong 3 năm qua người dân đã rất khó khăn vì giá cả tăng cao.
Giảm lương sẽ rất phản cảm !
|
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 29.9, nền kinh tế sau 3 quý đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 5,1% cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao hơn các tháng trước, nhưng tính chung 9 tháng tăng 4,63% cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua.
Trước tình hình khó khăn của ngân sách nhà nước, tại cuộc họp, Bộ Tài chính đề xuất bên cạnh các giải pháp tăng thu, có thể năm tới sẽ giảm 100.000 đồng từ tiền lương tối thiểu. Cho ý kiến, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ cần rà soát để tăng thu các nguồn khác, cắt giảm chi thường xuyên 2.000 tỉ đồng. “Không nên giảm lương vì mức 100.000 đồng vừa mới tăng hồi tháng 7.2013, nếu giảm sẽ gây ra sự phản cảm” - ông Ninh nói. Về đề xuất này, Thủ tướng khi nghe thảo luận xong cũng chỉ đạo không được giảm lương, vì trong 3 năm qua lương tăng được 35% nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng tương ứng với mức này, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Tăng tỷ lệ bội chi lên 5,3% GDP
Tiếp tục bàn về cân đối ngân sách, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính thông báo con số hụt thu năm nay ước khoảng 59.000 tỉ đồng, nhưng con số thực có thể cao hơn. Năm tới, tình hình cũng khó bội phần khi các dự báo đều cho thấy, doanh nghiệp (DN) khó khăn nguồn thu tiếp tục giảm; do chính sách thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực (dự kiến giảm thu ngân sách 30.000 tỉ đồng).
Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ nhất trí cần giải pháp đặc biệt. Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ tăng mức bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP (mức dự định theo kế hoạch đến 2015 là 4,8% GDP). Ông Ninh đề nghị, Bộ Tài chính đề xuất, nếu Quốc hội đồng ý số này phải tăng cường đầu tư để đảm bảo mục tiêu tăng GDP, đồng thời phải giảm chi thường xuyên vẫn còn khá lớn hiện nay. Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ủng hộ, nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ông Thăng đề nghị điều hành ngân sách nên theo tinh thần thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Đặc biệt, phải có thái độ kiên quyết rà soát và cắt bỏ các khoản chi quá nhiều nhưng không mang lại hiệu quả như: tham quan, học tập nước ngoài…
Cho ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý tăng tỷ lệ bội chi lên 5,3% GDP để tăng đầu tư công và đồng ý cho phép phát hành thêm trái phiếu chính phủ trong 2014, nhưng không được vượt quá giới hạn nợ công 65% GDP. Đặc biệt, một chủ trương mới sẽ cho phép thu cổ tức tại các DN có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong năm 2013 và 2014. Con số này khoảng 15.000 tỉ đồng, bổ sung về ngân sách, tăng đầu tư cho hạ tầng giao thông.
“Bội chi dành cho đầu tư năm nay 4,8% GDP, lẽ ra năm tới phải giảm đi, nhưng vì tình hình khó khăn quá nên phải xin tăng lên 5,3%. Nhưng tăng bội chi mà dành cho phần chi thường xuyên thì gay go. Chúng ta vay tiền không phải để ăn, để chi mà để đầu tư” - Thủ tướng lưu ý và đề nghị các bộ, ngành phải có giải pháp tính toán, dành đủ nguồn tiền xin tăng thêm từ bội chi đầu tư cho các công trình dang dở, lãng phí sớm đưa vào sử dụng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Chỉ 34,2% doanh nghiệp có lãi
|
|
Nhận định về kinh tế 9 tháng, Thủ tướng cho biết phải tập trung đạt mục tiêu năm 2013. Thứ nhất, vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để duy trì tăng trưởng GDP ở mức 5,4%, giữ lạm phát ở mức 7% trong năm 2013. Thủ tướng đề nghị phải lập được hàng rào kỹ thuật, có giải pháp bảo vệ, để tránh DN trong nước phá sản, người lao động mất việc.
Trước đó, báo cáo Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 9.2013 cả nước có khoảng 42.460 DN giải thể và ngừng hoạt động. Qua tổng hợp có 306.290 DN nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập DN thì chỉ có 104.818 DN có lãi trước thuế, chiếm 34,2%. Trong đó, 201.472 DN kê khai lỗ, chiếm 65,8%, với tổng số lỗ trên 50.400 tỉ đồng. Sốt ruột với khó khăn này, Thủ tướng chỉ đạo: “Từng đồng chí bộ trưởng có chức năng quản lý nhà nước tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý cần phải kiểm soát thật chặt chẽ các DN cố tình “té nước theo mưa”, lợi dụng khó khăn chung, dừng hoạt động giải thể để trốn nghĩa vụ nộp thuế. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại đang diễn ra khá nghiêm trọng, đặc biệt tại một số địa bàn như Đắk Lắk, Gia Lai. Riêng các DN kinh doanh, buôn bán cà phê, hồ tiêu khu vực Tây nguyên, do cố tình trốn thuế giá trị gia tăng nên thời gian qua nhà nước không thu được tiền thuế, thất thoát gần 1.000 tỉ đồng. Ngay tại Hà Nội, hàng nghìn DN lợi dụng, kê khai sai chứng từ, hóa đơn trốn thuế giá trị gia tăng, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ giả lãi thật, trốn thuế.
“Tôi tin rằng chúng ta rất buồn..."
Cũng trong buổi chiều qua, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Vũ Đức Đam trả lời nhiều vấn đề “nóng” dư luận quan tâm. Liên quan vụ nhân bản xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) chưa xử lý xong, mới đây lại xảy ra việc tráo thủy tinh thể ở Viện Mắt Hà Nội, ông Đam cho biết, đây là một ví dụ buồn về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cũng theo ông Đam, thái độ của Chính phủ là nghiêm túc nhìn nhận. “Chúng ta không quên cố gắng của ngành y, nhiều gương y bác sĩ tốt, nhiều người tận tụy. Tôi tin rằng chúng ta rất buồn nhưng những người đó sẽ còn buồn hơn chúng ta” - ông nói thêm.
Cũng liên quan đến ngành y và vụ chôn thuốc trừ sâu tại Thanh Hóa, ông Đam cho biết, Chính phủ yêu cầu Thanh Hóa báo cáo, tỉnh đã xử phạt hành chính, các cơ quan công an đang điều tra. Quan điểm của Chính phủ liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân phải kịch liệt lên án và nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm.
Về vụ hai bộ Y tế - Tài chính “đá bóng” trong quản lý khiến giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng giá gấp nhiều lần, ông Đam nói: “Tôi đã ký văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5.10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kiểm soát giá trong luật Giá. Dựa vào đó Bộ Y tế phải kiểm tra chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng làm giá”.
Anh Vũ
>> Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng lương tối thiểu từ 15-17%
>> Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu
>> Đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu năm 2014
>> Lương công chức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng
Bình luận (0)