|
Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) sẽ phải chi ít nhất 20 tỉ USD để thiết kế và phát triển các tàu chiến cho đội tác chiến tàu sân bay đầu tiên của nước này. Với trách nhiệm đóng 80% lượng tàu cho hải quân Trung Quốc, CSIC đã bắt đầu huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, họ chỉ mới kiếm chưa đầy 8,5 tỉ USD, phần lớn số đó được huy động từ các doanh nghiệp nhà nước.
Theo Yomiuri Shimbun, CSIC chỉ huy động được bấy nhiêu vì quan hệ mật thiết giữa họ với quân đội đã hạn chế các hình thức đầu tư. Do vậy, CSIC đang xem xét các kế hoạch kiếm tiền từ trong dân bằng cách bán cổ phần ra công chúng cũng như kích động tinh thần dân tộc, kêu gọi người dân Trung Quốc ủng hộ chiến lược phát triển quân sự của Trung Quốc.
CSIC được cho là sẽ dùng số tiền huy động để đóng thêm tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu đổ bộ cho đội tác chiến tàu sân bay đầu tiên. Trước đó, tờ Văn Hối ở Hồng Kông chỉ ra rằng nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ gồm tàu sân bay Liêu Ninh, 4 tàu khu trục lớp 052C hoặc lớp 052D, 4 tàu khu trục lớp 052B, từ 2 đến 4 tàu hộ tống lớp 054A, 1 hoặc 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Thương và 1 tàu tiếp tế. Cũng theo báo này, nhiều tàu hộ tống cho tàu sân bay Liêu Ninh đang được đóng ở cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông và nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được cho là sẽ sớm ra mắt. Tướng Đỗ Văn Long thuộc Học viện Khoa học quân sự ở Bắc Kinh khoe rằng Trung Quốc có thể thành lập 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trong vòng 5 năm tới.
Căn cứ thứ hai cho Liêu Ninh
Tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất hiện nay của Trung Quốc, được biên chế cho hải quân nước này hồi tháng 9.2012 được đưa về cảng Thanh Đảo từ tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, thông qua phân tích từ một số hình ảnh vệ tinh, tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review số tháng 7.2013 tiết lộ Trung Quốc đang xây dựng một cầu cảng ở đảo Hải Nam, tương tự cầu cảng phục vụ tàu Liêu Ninh ở Thanh Đảo. Cầu cảng mới dài 600 m và rộng 120 m, có thể chứa 2 tàu sân bay.
Trong một cuộc họp báo hôm 27.9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đã không bác bỏ khả năng Trung Quốc đang xây căn cứ thứ hai cho tàu Liêu Ninh ở Hải Nam, theo báo Southern Metropolis Daily. Trước câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đang xây căn cứ tàu sân bay thứ hai tại Hải Nam hay không, ông Cảnh chỉ trả lời Bắc Kinh “có quyền duy trì và bổ sung căn cứ hải quân như những quốc gia khác”. Ông này còn khẳng định tàu Liêu Ninh sẽ thực hiện “sứ mệnh tuần tra” ở nhiều vùng biển khác nhau mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và căn cứ tàu sân bay ở Thanh Đảo không đủ đáp ứng nhu cầu của hải quân Trung Quốc. Theo nhận xét của giới chuyên gia quân sự, Trung Quốc muốn đóng ít nhất 3 tàu sân bay trong tương lai. Khi đó, chúng sẽ hoạt động luân phiên. Cụ thể, nếu một chiếc đang tuần tra, một chiếc khác đang huấn luyện thì chiếc còn lại sẽ cập cảng để bảo trì.
Những kế hoạch phát triển đầy tham vọng cùng sự thiếu minh bạch về các chương trình quốc phòng của Trung Quốc đã gây nhiều lo ngại cho các nước láng giềng. Ngày 28.9, Tân Hoa xã đưa tin chiến đấu cơ, tàu chiến của Hạm đội Đông Hải kéo xuống biển Đông diễn tập săn ngầm liên hợp, nhưng không nói rõ địa điểm.
Vũ khí Trung Quốc xài đồ Nhật Hoàn Cầu thời báo vừa đưa tin tên lửa FD-2000 mà Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua từ Trung Quốc sử dụng bộ ngắt mạch AZ8112 do Nhật sản xuất. Báo này còn tiết lộ hệ thống radar dành cho tàu ngầm của hải quân Trung Quốc cũng được chế tạo ở Nhật. Hoàn Cầu thời báo cho rằng khi đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật, việc dùng linh kiện điện tử của nước này sẽ là mối đe dọa cho Trung Quốc. Theo WantChinaTimes.com, Trung Quốc phải nhập khẩu linh kiện điện tử từ Nhật và Hàn Quốc do không đủ kinh nghiệm chế tạo mặt hàng này. Minh Trung |
Văn Khoa
>> Tàu sân bay Trung Quốc sẽ tác chiến trong vài năm tới ?
>> Hé lộ nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc
>> Ông Tập Cận Bình thăm tàu sân bay
>> Trung Quốc đóng tàu chiến giống tàu sân bay trực thăng Nhật ?
>> Báo Trung Quốc: Tàu sân bay Ấn Độ và Nhật Bản là mối đe dọa cho Trung Quốc
>> Trung Quốc dùng tàu ngầm mini chống tàu sân bay ‘khủng’ của Nhật
>> Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên
>> Tiêm kích của Nga sắp thử nghiệm trên tàu sân bay Ấn Độ
Bình luận (0)