Bão tàn phá miền Trung

01/10/2013 03:00 GMT+7

Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, ông Bùi Minh Tăng cho biết, khoảng 16 giờ chiều qua, tâm bão số 10 cập đất liền, đến 18 giờ nằm trọn trên địa phận tỉnh Quảng Bình, với sức gió mạnh nhất cấp 14, tức là 150 - 166 km/giờ.

* Tính đến tối qua bão số 10 đã làm 2 người chết, 23 người bị thương, hàng chục ngàn ngôi nhà bị hư hại...

Bão tàn phá miền Trung

Bão tàn phá miền Trung
Siêu bão tàn phá tại Quảng Bình - Quảng Trị - Ảnh: T.Q.N - Nguyễn Phúc

Vùng ảnh hưởng kéo dài qua các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, gió bão đặc biệt nguy hiểm nằm trong phạm vi từ các tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, với sức gió từ cấp 8 - 14. Khoảng 23 giờ đêm gió bão suy yếu, đến sáng nay (1.10) bão ra khỏi lãnh thổ VN. “Sức mạnh của bão số 10 tương đương bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 10.2006, là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây, có diễn biến phức tạp và khó dự báo khi có tới 6 lần thay đổi hướng di chuyển”, ông Tăng nói.

Báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đến cuối giờ chiều qua cho biết, quân đội đã huy động gần 15.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng phó. Nhưng bão đã làm tốc mái, làm sập đổ hàng chục ngàn ngôi nhà; nhiều tàu thuyền tại nơi tránh trú bị hư hỏng do bị va đập. Khoảng 7 giờ ngày 30.9, tại Lạch Quèn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An phát hiện 1 tàu vỏ sắt không số, mang quốc tịch Trung Quốc (trên tàu có 3 người) gặp bão đứt dây neo trôi dạt trong khu vực. Ngay sau khi phát hiện, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã tổ chức lai dắt thành công, đưa tàu và người vào nơi tránh trú an toàn.

Hà Tĩnh: 10 công nhân kẹt trên cần cẩu

Theo ghi nhận của Thanh Niên tại H.Kỳ Anh - nơi tiếp xúc đầu tiên của bão vào lúc 17 giờ hôm qua, nhiều cây cối, trụ điện dọc theo QL1A bị quật gãy, đổ ngã. Đặc biệt tại cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi), mưa lớn, gió giật rất mạnh, sóng biển dâng cao xô đẩy làm hàng trăm tàu thuyền đang neo đậu gần bờ nghiêng ngả, va đập gây hư hại nặng.

Tính đến 21 giờ trên địa bàn toàn tỉnh có gần 2.000 nhà dân, trường học, trụ sở bị tốc mái, hư hại nặng. Đặc biệt vào lúc 16 giờ, 10 công nhân đang thi công tại khu vực cầu vượt Sông Quyền (thuộc xã Kỳ Trinh, H.Kỳ Anh) leo vào trong hộp container treo trên 1 chiếc cần cẩu để trú ẩn thì bị nước ngập, buộc phải trèo lên thân cần cẩu để đảm bảo an toàn tính mạng. Cơ quan chức năng đã dùng nhiều phương tiện ca nô, tàu thuyền để tiếp cận nhưng đến 21 giờ 10 công nhân này vẫn chưa được giải cứu.

Ông Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tính đến tối qua, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng bão đã gây thiệt hại nhiều về tài sản. Đặc biệt, lo ngại lớn nhất là trên địa bàn đang có 349 hồ đập đã chứa đầy nước, có thể gây họa cho người dân bất cứ lúc nào.

Quảng Bình: 2 người chết, 9 người bị thương

Là địa phương ngay tâm bão đi qua, từ 12 giờ trưa H.Lệ Thủy đã hứng gió giật rất mạnh kèm mưa lớn. Ở những vùng ven biển và vị trí xung yếu, người dân được sơ tán đến các vị trí an toàn như trường học, nhà kiên cố. Chị Dương Thị Phiên cho biết: “Hầu hết nhà các bà con ở đây đều cách mép bờ biển chừng 50 - 100 m, bão đến thì nước biển quét sạch. Bà con lên đây từ sáng sớm, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con; còn đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì ở lại chằng chống nhà cửa và tàu thuyền”.

Bão đã làm trụ thu tiếp sóng di động công suất lớn đổ chắn ngang QL1, đoạn qua địa phận xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh khiến giao thông bị tê liệt. Cột ăng ten tín hiệu của trạm thu phát sóng thuộc Đài tiếng nói VN đóng trên địa bàn TP.Đồng Hới bị gió quật gãy khiến 2 cán bộ của trạm đang trực tử vong, 1 người bị thương nặng, 3 chiếc ô tô bị đè bẹp. Ngoài ra, có 2 người bị thương khi đang chằng chống nhà cửa và làm nhiệm vụ chống bão; trong đó có anh Trần Văn Quyết là chiến sĩ dân quân bị tuột tay rơi từ hơn 10 m, từ trên cây xà cừ xuống đất nằm bất tỉnh và bị gãy xương vai.

Báo cáo nhanh của cơ quan chức năng tính đến 17 giờ cho biết, toàn tỉnh đã có hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, sụp đổ, cùng nhiều cây cối và cột điện bị gãy gây mất điện trên diện rộng. Hiện vẫn chưa thống kê được con số thiệt hại chính xác do trời về tối và mất liên lạc với cơ sở do hệ thống điện, điện thoại bị đứt, mất. Thiệt hại nặng nhất là H.Lệ Thủy, TP.Đồng Hới, H.Quảng Ninh và H.Quảng Trạch. Đến 21 giờ cùng ngày, gió đã ngớt nhưng mưa tại H.Lệ Thủy vẫn còn lớn, nước sông đang dâng, người dân đang lo đối phó với lũ lớn. Để ứng phó với mưa lũ, tỉnh đã di dời gần 5.000 hộ dân.

Quảng Trị: 12 người bị thương

Trong khi đó tại Quảng Trị, đến tối qua cơ quan chức năng vẫn chưa có được con số thống kê thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên thông tin ban đầu cho biết đã có 12 người bị thương, chủ yếu ở H.Vĩnh Linh và TP.Đông Hà, hơn 3.500 ngôi nhà bị sập đổ, xiêu vẹo và tốc mái. Đường dây điện lưới bị đứt dẫn đến mất điện toàn tỉnh. Lo ngại ảnh hưởng của hoàn lưu bão, tỉnh dự kiến sơ tán ở các vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét khoảng 10.507 hộ với hơn 35.000 người. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng và cứu trợ khẩn cấp với số lượng 28.000 thùng mì tôm, 90 tấn gạo tẻ, 40.000 chai nước uống, cùng xăng, dầu với tổng số tiền dự trữ trên 37 tỉ đồng.

Trong ngày 30.9, PV Thanh Niên đã túc trực ở địa bàn H.Vĩnh Linh. Tại thị trấn Cửa Tùng, ngay từ trưa đã có gió mạnh, sóng lớn, cả bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ. Hầu hết người dân đều không dám ra đường. Trong đầu giờ chiều cùng ngày, trên đường di chuyển từ thị trấn Cửa Tùng lên thị trấn Hồ Xá (trung tâm huyện lỵ của H.Vĩnh Linh), PV ghi nhận thiệt hại bước đầu như cây đổ, nhà tốc mái, các biển hiệu bị xé toang vì gió mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt đoạn qua xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang...

Đến gần cuối giờ chiều, khi gió tạm lắng, có thể nhận thấy rất nhiều nhà dân, hàng quán trên QL1 đoạn qua thị trấn Hồ Xá bị tốc mái, chằng chịt dây điện... Là huyện phía bắc của tỉnh Quảng Trị, giáp với Quảng Bình nên H.Vĩnh Linh cũng là địa phương có thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là diện tích cây cao su, một cây trồng chủ lực của huyện.

Thừa Thiên-Huế: Cứu sống 10 ngư dân gặp nạn

Mặc dù bão không đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên-Huế nhưng hoàn lưu bão cũng đã gây ra gió lớn cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 10 tại nhiều địa bàn của tỉnh. Đến cuối chiều qua, toàn tỉnh đã có hơn 368 ngôi nhà tốc mái, 6 nhà sập. Trong đó H.Phong Điền với 133 nhà tốc mái, H.Phú Lộc có 117 nhà tốc mái, 3 nhà sập; H.Phú Vang có 109 nhà tốc mái và 2 nhà sập...

Ông Nguyễn Văn Ố (58 tuổi, ở xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc) bị gãy chân trong khi kéo dây neo thuyền. Bà Nguyễn Thị Thanh Vượng (40 tuổi, ở thôn Thanh Hương Tây, xã Điền Hương, H.Phong Điền) cũng bị gãy tay lúc kê kích nhà chống bão.

Thượng tá Lê Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng tham mưu tác chiến Bộ đội biên phòng Thừa Thiên-Huế cho biết, lúc 11 giờ 30 gió mạnh kèm theo mưa lớn, triều cường dâng cao đã làm tàu đánh cá của ông Nguyễn Viết Chinh (trú tại thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, H.Phú Vang) đứt dây neo trôi dạt mắc cạn trên phá Tam Giang. Khi bị trôi trên tàu có 10 ngư dân phải chống chọi với mưa bão. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy hải đội 2, biên phòng tỉnh đã đưa tàu 1 tuần tra và 1 ca nô cao tốc kịp thời ứng cứu. Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn với sóng to, gió lớn các chiến sĩ đã đưa được người và phương tiện vào bờ an toàn.

Sóng dữ tàn phá các khu du lịch

Tại Quảng Nam, mưa to và sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng một số đoạn bờ biển tại P.Cửa Đại (Hội An). Hơn 130 m bờ biển nằm giữa 2 dự án du lịch Fusion ALYA và Vinpearl Resort Hội An đang thi công bị biển xâm thực, lấn sâu vào đất liền hơn 15 m. Đoạn bờ biển nằm giữa 2 khu du lịch Cát Vàng và Sunrise cũng bị sóng lấn sâu. Nhiều cột sóng cao trên 10 m đã tấn công gây sụt lún nặng khiến đơn vị thi công, chủ các khu du lịch dùng hàng trăm bao tải cát, rọ đá và huy động phương tiện xe múc, xe ben cấp tập ứng cứu kè biển. Ở địa bàn P.Cửa Đại, đoạn bờ biển dài hơn 3 km, trong suốt 2 ngày qua sóng liên tục đe dọa trực tiếp 6 khu du lịch.

Tại Đà Nẵng, UBND Q.Liên Chiểu yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty xăng dầu quân đội và đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Lũng Lô đổ đá hộc ngăn sóng biển xâm thực do thi công công trình kho xăng dầu 83 tại P.Hòa Hiệp Bắc. Việc san lấp eo biển đã ép dòng chảy vịnh Đà Nẵng vào khu dân cư, gặp ảnh hưởng bão gây ra sóng lớn trên 2 m cuốn phăng cả trăm gốc dương liễu, đường bê tông và dãy nhà công nhân; xâm thực sát đường sắt thống nhất, 7 hộ dân phải chuẩn bị di dời trong tình huống xấu.

Di dời hơn 50.000 dân

Để đối phó với bão, trong ngày 30.9, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã có phương án sơ tán, di dời tổng cộng 11.642 hộ với 50.127 người của 21 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu. Đường dây 50 kV đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng cũng bị sự cố, gây mất điện trên diện rộng từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế.

Trong khi đó tại Đắk Lắk, mưa lũ vừa làm 3 người chết, đó là ông Y Phột Niê (45 tuổi), Ngô Cao Cường (33 tuổi), Nguyễn Văn Doanh (35 tuổi, cùng trú H.Buôn Đôn) đi câu tại thác Phật trên sông Sêrêpôk thì bị lật xuồng.

“Bão giá” xuất hiện

Ngay trong ngày hôm qua “bão giá” đã xuất hiện tại các chợ. Nhiều mặt hàng rau củ quả tăng giá mạnh từ 3.000 - 10.000 đồng/kg, tiếp đó là hải sản 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg với lý do khan hiếm hàng, thịt heo cũng có mức giá tăng cao như hải sản; thịt bò tăng đến 30.000 đồng/kg ở mức 260.000 - 270.000 đồng/kg. Chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) sáng qua hết hàng sớm hơn thường lệ do tiểu thương tranh thủ gom hàng, trong khi đó giá các mặt hàng đinh, dây thép, bạt, bao cát... cũng tăng do người dân đổ xô mua để chèn chống nhà cửa.

74 người Trung Quốc mất tích gần Hoàng Sa

Ngày 30.9, giới chức Trung Quốc thông báo bão số 10 (bão Wutip) đã đánh chìm 3 tàu cá nước này ở biển Đông vào chiều 29.9, khiến 74 người mất tích, theo Tân Hoa xã. Những tàu này nằm trong số 5 tàu đang hoạt động phi pháp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì gặp bão và tới nay lực lượng cứu hộ Trung Quốc mới cứu được 14 người.

Cùng ngày, tờ Bangkok Post dẫn lời nhà chức trách Thái Lan cảnh báo bão số 10 sẽ gây mưa to và lở đất ở 19 tỉnh của nước này trong ngày hôm nay 1.10.

Minh Trung

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.