|
Video clip: Cơn bão số 10 hoành hành tại Thừa Thiên Huế |
1. “Bão giật cấp 15, 16 đấy”, ông Nguyễn Văn Bài, Phó trưởng ban thường trực Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đặt tay lên ngực, lẩm bẩm mãi chừng ấy từ suốt đoạn đường từ thị trấn Cửa Việt (H.Gio Linh) ra thị trấn Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) ngay khi nhận được bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư vào chiều 29.9.
Hôm ấy ông Bài dẫn đầu một đoàn công tác về địa phương để đôn đốc công tác di dời dân trước bão. Được mệnh danh là “tổng đài trực bão của tỉnh Quảng Trị”, hẳn ông quá biết bão số 10 là cơn bão mạnh nhưng sức gió như vậy quả ngoài sức tưởng tượng của ông.
Theo chân người đàn ông có kinh nghiệm mấy chục năm phòng chống lụt bão này dọc các xã ven biển thấy ông cứ phát đi những thông điệp thúc giục na ná nhau, tôi lấy làm lạ. “Cứ phải nói, cứ phải nhắc, nói một lần chưa nghe thì nói nhiều lần, có thừa đâu. Phòng chống lụt bão có nhiều thứ nhưng tóm lại vẫn là bảo vệ tính mạng và bảo vệ tài sản”, ông chép miệng.
|
2. Do vị trí nằm ngay cửa biển, là nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên bị thiên tai hành hạ, trực tiếp Chủ tịch UBND H.Gio Linh Trần Ngọc Lân cùng với đông đảo lực lượng địa phương đến gõ cửa từng nhà ở vùng trũng thấp lên tập trung tại các điểm tránh bão.
Với sự thúc giục, vận động mạnh mẽ từ chính quyền, già trẻ gái trai đã gói ghém đồ đạc, chăn màn, lương thực tạm “xa nhà” ít hôm.
“Đài đã báo, cán bộ vận động đến tận nơi, nếu không đi lỡ sau này có chuyện chi thì thiệt mình chứ thiệt ai?”, ông Võ Văn Vui nói và tôi cho rằng đó là tư duy đích thực của người dân chạy bão.
3. Sáng 30.9, khi bão số 10 sát bờ, Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) không còn là “nữ hoàng bãi tắm” mà trở thành con “thú hoang” đang lồng lộn với gió rít, sóng cao trắng xóa và mây đen vần vũ.
Bão số 10 đổ bộ vào đất liền vào buổi chiều, ngỡ rằng bà con sẽ đỡ lo đôi phần vì có thể chủ động đối phó hơn. Với những người trẻ như chúng tôi âu cũng là một trải nghiệm quý giá.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ “ngông cuồng” của người viết, vì từ sau 12 giờ trưa, trời đã xám xịt, tối đen, gió rít và đập vỡ toang cánh cửa nơi ngôi nhà cạnh mép biển Cửa Tùng mà chúng tôi đang ẩn nấp. Đối diện với cơn bão hung hãn, mới thấy mọi thứ thật nhỏ nhoi.
Sợ, một cảm xúc rất thật và nó tỉ lệ thuận với độ mạnh của gió, độ cao của sóng ở ngoài trời, cách chúng tôi một bức tường mà thôi. Rất sợ!
|
4. Trở ngược về TT.Hồ Xá, huyện lỵ của H.Vĩnh Linh, dọc 2 bên đường, những tấm biển quảng cáo bị xé toạc, những ngôi nhà gió thổi bung nóc, những hàng cây bật gốc nằm rũ rượi... cứ lần lượt xuất hiện trước mắt chúng tôi.
Đến xã Vĩnh Trung gần 17 giờ chiều, lại thấy những rừng cao su tan hoang. Rất nhiều người dân đứng giữa mưa lặng nhìn tài sản bị ông trời “bẻ đôi” lắc đầu ngao ngán. Riêng chị Trần Thị Thương, nỗi buồn ấy đã hóa thành nước mắt. Chị mếu máo: “Nhà nuôi 2 cháu đi học đại học, trông cả vào 8 ha cao su này, chừ gãy phân nửa rồi, tui biết mần răng?”.
Toàn tỉnh Quảng Trị có không ít người như chị Thương bởi có đến 7.000 ha cao su bị ảnh hưởng sau bão. Thiệt hại với loại cây chủ lực địa phương này quá nặng nề.
5. Hết ngày 30.9 cũng là lúc bão số 10 dần qua đi. TP.Đông Hà chìm trong màn đêm. Những câu hỏi “chừ biết mần răng?” của biết bao người dân mà chúng tôi gặp, cứ đau đáu mãi...
Trước một cơn bão lớn, ai mà không sợ? Nhưng chỉ có cách chạy đua với bão, nhiều người (các lực lượng chức năng) mới có thể cứu giúp dân nhiều hơn, hiểu được nỗi sợ, nỗi đau và mất mát của người dân.
Bão đã qua, tất cả sẽ còn phải tiếp tục hỗ trợ, lo toan, giúp đỡ những mảnh đời, những phận người sau bão... Và cũng ở đó, tôi biết chỉ có tình người nồng đượm mới làm ấm đôi bàn tay nhau.
Ghi chép, ảnh: Nguyễn Phúc
>> Bão số 10: Quảng Trị khẩn trương phòng chống bão
>> Chiều tối nay bão số 10 giật cấp 15-16 vào miền Trung
>> Bão số 10: Lũ mới trên các sông sẽ lên nhanh
>> Bão số 10: Hà Tĩnh di dời gần 22.500 người khỏi khu vực nguy hiểm
>> Trắng đêm di dân tránh bão số 10
>> Chiều nay bão số 10 đổ bộ vào đất liền
>> Nhiều khả năng tâm bão số 10 sẽ đổ bộ Quảng Bình, Quảng Trị
Bình luận (0)