|
Đối với hàng trăm ngàn nhân viên liên bang, việc chính phủ bắt đầu đóng cửa vào ngày 1.10 đồng nghĩa với việc họ sẽ bị thất nghiệp.
Còn đối với những người làm việc trong các ngành vẫn còn được duy trì hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ bị trễ lương.
Anh Darquez Smith, một nhân viên bảo vệ công viên tại bang Ohio và người sắp được lên chức bố, cho biết trước khi cuộc khủng hoảng ngân sách này xảy ra anh đã phải sống bằng đồng lương còm cõi.
“Tôi có rất nhiều thứ phải chi trả, nào là học phí cho trường đại học mà tôi đang ghi danh, tiền nuôi con gái, tiền nhà. Việc chính phủ đóng cửa làm tôi rối trí và giờ thì tôi phải chờ đợi như những người khác thôi”, Smith, 23 tuổi, nói với AP.
Giới phân tích cho rằng tác động của việc chính phủ Mỹ đóng cửa rất khó đoán.
Được biết, các công viên quốc gia đã bị đóng cửa cùng với các bảo tàng thuộc Viện Smithsonian, một học viện nghiên cứu và bảo tàng viện nổi tiếng của chính phủ Mỹ.
Du khách Mỹ đến thăm các công viên quốc gia vào hôm 30.9, một ngày trước khi những nơi này bị đóng cửa đã bày tỏ sự bức xúc.
“Sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp từ điều này đâu. Người dân đóng thuế sẽ còn phải đóng thuế nhiều hơn nữa”, AP dẫn lời Chris Fahl, một khách du lịch từ bang Indiana, đến tham quan một công viên quốc gia ở bang Kentucky.
Còn Emily Enfinger, khách tham quan tượng Nữ thần Tự do, cho rằng các chính trị gia trong nước nên tìm cách hợp tác làm việc với nhau.
“Cả hai phe (Dân chủ và Cộng hòa) nên thỏa hiệp và thật là chán nản khi thấy dường như họ không có khả năng hợp tác. Họ không chịu làm việc mà họ được giao phó”, cô Emily chỉ trích.
Được biết, nhiều nhân viên liên bang đã được phép đến chỗ làm vào ngày 1.10 để chuyển hướng hộp thư thoại từ chỗ làm về nhà hay điền vào phiếu chấm công. Nhưng sau đó, họ được chỉ đạo không cần làm bất kỳ việc gì, kể cả việc kiểm tra email.
Hoàng Uy
>> Nước Mỹ sẽ ra sao khi chính phủ đóng cửa?
>> Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa: Hạ viện đổ lỗi cho Thượng viện
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa
>> Chính phủ Mỹ bị tố vi phạm nhân quyền
Bình luận (0)