‘Vàng trắng’ trôi theo bão

01/10/2013 18:15 GMT+7

(TNO) Gặp ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) đứng tần ngần trước vườn cao su gãy nát của người dân ở xã Vĩnh Trung trưa 1.10 sau cơn bão số 10 , tôi hỏi ông chuyện thiệt hại. Ông lặng một hồi lâu rồi lắc đầu: “Còn gì nữa đâu...!”.


Chị Lê Thị Miếc ngồi thất thần bên vườn cao su gãy đổ của gia đình

Mặt buồn rười rượi, ông chủ tịch huyện thông tin cho chúng tôi biết chỉ qua một buổi chiều, hơn 4.000 ha trong tổng số 6.000 ha cao su của toàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề, có nhiều diện tích thiệt hại đến 70-80%.

“Đa số diện tích cao su trồng từ năm 1998, tính giá bèo mỗi ha bây giờ cũng có trị giá không dưới 300 triệu đồng. Nhân lên sẽ có con số thiệt hại kinh hoàng: 1.200 tỉ; lớn hơn tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Trị năm 2012. Giờ chúng tôi không biết bắt đầu lại từ đâu...”, ông Hiền nói giọng buồn buồn.

Đi qua nhiều xã thuộc H.Vĩnh Linh ngày 1.10 mới biết rằng ông Hiền không nói ngoa một chút nào. Bởi tới đâu cũng thấy những vườn cao su đổ ngang ngã dọc, gãy ngang gãy ngửa. Cơn gió điên cuồng chiều qua đã xoắn những thân cao su cao vút thành những hình thù kỳ dị, thứ hình thù mang nhiều tiếc nuối cho người nông dân H.Vĩnh Linh. Vậy nên, khuôn mặt người nào cũng méo xệch, buồn rười rượi.

“Vàng trắng”, từ mà người dân đất thép Vĩnh Linh ám chỉ đến dòng mủ cao su, một thời mang lại ấm no, giờ đối với họ, chỉ còn giá trị không khác chi... nước lã.


Cao su, loài cây cho “vàng trắng” giờ chỉ có giá trị là củi khô


Chặt bỏ cây cao su là việc chẳng đặng đừng...

Một mình cầm rựa đứng giữa vườn cao su có diện tích 8 sào của gia đình, chị Trần Thị Hoa (45 tuổi, trú thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam) không biết nên chặt cành hay chặt cây nào trước vì “nhìn đâu cũng gãy”. Chị bảo chừng ấy cây cao su đều thấm mồ hôi, nước mắt của gia đình mình suốt mười mấy năm trời. Mới đây thôi, chỉ cần “mở mắt” (đại ý nói chỉ cần qua một ngày) là chị đã có hơn 200.000 đồng tiền bán mủ. Giờ, tất cả là con số không!

Anh Trần Văn Lương ở thôn Hiền Dũng (xã Vĩnh Hòa) cũng không khá hơn. Gia đình anh có một vườn cao su hơn 3 ha ngay sát nách nhà, đã cạo mủ được 6 năm, mỗi ngày thu tiền triệu. Nhưng chỉ sau 2 giờ bão vào mọi thứ đã tan hoang.

“Vợ chồng tôi ở trong nhà, nhìn thấy cây đổ, nghe thấy tiếng gãy răng rắc mà chỉ biết ôm chầm lấy nhau khóc. Thấy của mình mất ngay trước mắt đó mà có mần được chi”, chị Lê Thị Miếc, vợ anh Lương nói với nỗi buồn nặng trĩu.


Chị Miếc như chưa tin vào sự thật là gia đình đã hoàn toàn trắng tay chỉ sau 2 giờ bão vào


Cây cao su gãy đổ giờ là một “gánh nợ” đối với người dân H.Vĩnh Linh

Hầu hết các hộ dân trồng cao su ở H.Vĩnh Linh đều vay nợ ngân hàng để “nuôi” vàng trắng nhưng giờ đây điều “khốn khổ” nhất đối với họ là phải bỏ thêm tiền để dọn dẹp cái mớ “rác” đó đi.

“Phải thuê máy cưa cắt cành, thuê máy múc xúc gốc. Tốn thêm tiền triệu chứ không ít”, anh Nguyễn Văn Ban, hàng xóm anh Lương tặc lưỡi nói.

Cao su thiệt hại quá nặng nề làm không ít người đặt lại câu hỏi cũ: “Liệu cây cao su vốn rất giòn, dễ gãy, không chịu nỗi sức gió cấp 8, có phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt miền trung, đặc biệt là Quảng Trị?”. Khi người Pháp trước đây đã từng nghiên cứu và nhận định rằng từ phía bắc vĩ tuyến 17, không nên trồng cây cao su, lại càng không nên trồng ở các vùng phía đông, gần biển.

Ông Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền cho rằng câu chuyện nói trên đã có nhiều tranh luận từ lâu nhưng việc bây giờ không phải là “phủ định cây cao su” mà là tập trung khắc phục thiệt hại.

“Cây nào tái sinh được thì tái sinh, cây nào không thì xúc bỏ; vì đối với người dân, đó là cả một gia tài”, ông Hiền nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Phúc

>> Thú rừng phá cây cao su
>> Truy tìm kẻ chặt phá cây cao su
>> Làm giàu từ cây cao su
>> Bão số 10: Nguy cơ lũ lụt tại Thừa Thiên-Huế
>> Nhiều nơi bị cô lập vì lũ lụt
>> Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc, Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.