Chuyện đời Bùi Giáng - Kỳ 15: 'Ông trời tròn' trò chuyện với… Kiều!

02/10/2013 03:31 GMT+7

Trước khi mất, vào đầu năm 1998, Bùi Giáng nhận được một tham luận ký tên Kiều Nguyên Tá từ Mỹ gửi về mà khi đọc, theo người nhà - ông đã vui vẻ cười nói nhiều hơn bên “khung cửa hẹp”…

Trước khi mất, vào đầu năm 1998, Bùi Giáng nhận được một tham luận ký tên Kiều Nguyên Tá từ Mỹ gửi về mà khi đọc, theo người nhà - ông đã vui vẻ cười nói nhiều hơn bên “khung cửa hẹp”…

 
Bùi Giáng những ngày cuối đời - Ảnh: Gia đình cung cấp

Tham luận trên do người em ruột của Bùi Giáng là ông Bùi Văn Vịnh (nay đã mất) gửi về cho người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài nhận qua bưu điện và trao tận tay ông. Ông nằm trên chiếc võng móc ở giữa hai cây vú sữa và cây mận trước sân, gật đầu mỉm cười khi đọc tới đoạn Kiều Nguyên Tá nhắc đến mấy câu thơ của ông: “Hãy về gấp cho Trẫm quỳ dưới gối/Bày tỏ niềm ân hận suốt trăm năm/Rồi từ đó ra sông dài tắm gội/Anh nhìn em như ngó nguyệt đêm rằm” và “Nhìn anh em có thấy không/Anh là rất mực một ông trời tròn”.

Kiều Nguyên Tá luận: “Qua thân thể hình tướng Bùi Giáng, ai hiểu được tuổi Đời, tuổi Đạo của Bùi Quân, có chăng người ta nhìn bề ngoài, nhìn cái giả, chứ mấy ai nhìn được cái thực của Bùi Giáng… Bùi Giáng cứ lộn lên lộn xuống mãi hàng tỷ, tỷ kiếp để đến ngày hôm nay ông nghiễm nhiên trở thành “TRÒN VO”, không còn luẩn quẩn trong cái tròn (dương), trong cái vuông (âm) thường tình nữa”. Đọc xong, Bùi Giáng đung đưa võng rất lâu, chẳng biết ông nghĩ gì suốt buổi hoàng hôn ấy. Sáng hôm sau, theo lời người nhà, Bùi Giáng dậy rất sớm trước lúc mặt trời mọc, đi ra quán ông Tốt ghi nợ mấy ly rượu trắng uống lúc chưa ăn gì, rồi trở về nhà bảo:

- Bây giờ “ông trời tròn” sẽ nói chuyện lai rai với nàng Kiều đây…

Thực ra chỉ có một mình ông nói với một nàng Kiều nào đó vô hình vô ảnh, say sưa như thể có cụ Nguyễn Du đang đứng một bên làm chứng, rằng: nàng Kiều đã chết từng giờ từng phút từ khi nàng mới sinh ra! Chẳng ai hiểu gì. Người nhà hỏi: nàng Kiều chết như thế nào, ông bảo hãy giở cuốn Mùa xuân trong thi ca tìm câu trả lời.

Cuốn đó, đúng là ông có viết về “cái chết” của Kiều. Song cái chết ấy không chỉ riêng Kiều, mà chung cho tất cả những ai mới lọt lòng: “Con người ta là một sinh thể cho tử - vong - tử - diệt. Vừa mới sinh ra đời là đã như đang chết. Sinh và tử, tử và sinh đi gắn liền nhau trên mặt biển dâu. Sinh, lão, bệnh, tử, ly, biệt, nói ra là năm tiếng, đáo cùng vẫn chỉ là một tiếng: Parting is all we know of heaven, and all we need of hell” (Emily Dickinson): ly biệt là tất cả những gì ta biết về thiên đường, và tất cả những gì ta cần ở nơi địa ngục. Vĩnh ly là chất của trời. Vĩnh ly là thói của đời nhà ma”.

Có nghĩa là, “Kiều” dưới ngòi bút Bùi Giáng thành tên gọi chung của niềm “ly biệt”. “Ly biệt ngày chia tay đã đành: Người lên ngựa kẻ chia bào/Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san - Nhưng ly biệt ở ngay trong giờ sơ ngộ: Bây giờ rõ mặt đôi ta/Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao - Nhưng ly biệt cũng ở ngay trong giờ tái ngộ: Sự đời đã tắt lửa lòng/còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?”.

Ngay giữa mùa xuân, giữa ngày sinh cũng chớm mầm tảo mộ: “Rằng sao trong tiết thanh minh/Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”. Bùi Giáng viết: “Không phải đợi tới bây giờ đối diện với cái nấm mộ sè sè nọ, Thúy Kiều mới nhận ra cái tính chất vắng tanh của phong cảnh giữa tiết thanh minh. Nàng là cái tại thể tài hoa đã vốn để nảy ra tồn lưu “một cung bạc mệnh”. Và “Cái Dasein Thúy Kiều tự bao giờ đã liễu-giải-viên-mãn cái nghĩa tử sinh gay cấn”. Từ đó ông nhắc tới những nỗi “sầu đời”: “Người ta bảo mùa thu sầu? Nhưng tại sao mùa xuân lại càng sầu hơn nữa? Nhân ngôn thu bi/xuân cánh bi. Đôi lúc lời thơ lại ỡm ờ hàm hỗn hơn: Nhân hành do khả phục/Tuế hành nan khả truy! (Tô Đông Pha): Người đi, còn có thể trở lại. Năm tháng đi, biết làm sao có thể dõi theo níu trở về?”. Rồi ông nêu hai câu thơ của Hoài Khanh: “Lang thang trong vạn hồn chiều/Nghe mùa gãy đổ dưới nhiều bến sông” và bình: “Đợi chờ gì dưới nhiều bến sông gió quạnh? Dòng nước vẫn trôi, em hãy xuôi đò, xin cùng anh vĩnh biệt”. Trước giờ “qua bên kia bến”, ông nhắn: “Mỗi người hãy tự mình tìm trở lại chân lý cho đời mình, gột rửa những mớ hệ thống lý luận đã có sẵn, để nhận chân thực tại của đời sống và nội tâm. Đừng quá ham biện luận mà trở thành mù quáng”. Câu nói đó được nhắc lại trong bữa giỗ đầu tiên nơi căn nhà ông ở trước lúc qua đời 15 năm trước… (còn nữa)

Hiểu biết vạn vật đất trời, trước sau vẫn là tự hiểu biết mình (…) cái miền thân thể, cái bình thịt xương với tứ chi lếu láo, ta đừng để chúng lung lạc, thao túng con người xác thực của ta. thân thể, ta phải canh chừng nó. cũng như ta phải đề phòng cái tinh khí của ta. vâng, thân thể và khí chất phải được vượt qua!

Giao Hưởng

>> Ấn tượng Bùi Giáng
>> Bùi Giáng và bài thơ 'phù thủy
>> Tọa đàm khoa học đầu tiên về Bùi Giáng
>> Người vợ của Bùi Giáng
>> Đoản văn của Bùi Giáng
>> Tọa đàm thơ Bùi Giáng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.