|
Mới đây, TAND Q.8 xét xử sơ thẩm vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại địa phương. Theo nội dung vụ án, chiều 14.10.2012, sau khi uống rượu về, Trần Mạnh Tiến đi qua nhà L.L.T chửi bới nên T. gọi điện cho ông Nguyễn Văn Ngai (tức Tư Ngai, tổ trưởng tổ dân phố) đến chứng kiến sự việc. Khi ông Ngai đến, Tiến chửi luôn ông Ngai và chỉ dừng lại khi biết ông Ngai là tổ trưởng. Sau đó, Tiến tiếp tục chửi và bị T. lúc ấy đang cầm cây vợt (bằng tre) vớt rác, đánh trúng trán gây thương tích. Theo kết luận giám định, Tiến bị thương tật 6%. Tại cơ quan điều tra, Tiến không yêu cầu bồi thường mà đòi xử lý hình sự T.
“Tui đâu phải tội phạm”
Hôm tiếp xúc với chúng tôi, mới nghe hỏi thăm về vụ án, ông Tư Ngai đã phản ứng: “Đừng có mong tui đi làm chứng bất cứ vụ gì nữa!”. Theo ông, vụ án đơn giản: một bên say rượu chửi bới, một bên bức xúc cầm cây quơ gây thương tích cho bên kia. Vậy mà, ông phải mất 4 - 5 lần ra phường, lên quận để làm chứng, lấy lời khai, ghi biên bản. Người đàn ông 60 tuổi này bức xúc: “Tôi già rồi mà mỗi lần công an mời lại phải xách xe máy chạy hàng cây số lên cho kịp. Hỏi gì mà hỏi hoài cũng chỉ có mấy câu hỏi đó. Điều tra viên hết người này đến người nọ, khiến tui phát mệt. Mà chưa hết, tui đâu phải tội phạm, mời tui xuống làm chứng mà bắt tui chờ cả tiếng đồng hồ, không có miếng nước uống rồi mới có mấy chú cỡ tuổi con tui ra tiếp. Lần đó, tui nói thẳng, mấy chú đừng có mời tui nữa, tui không có đi đâu. Cần gì thì đến nhà tui mà hỏi”.
Do làm tổ trưởng dân phố, không ít lần đưa nạn nhân các vụ tai nạn giao thông đi cấp cứu và sau đó đứng ra làm chứng khi cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu, thời gian đầu ông Tư Ngai vẫn coi là trách nhiệm công dân, vui vẻ hợp tác, nhưng sau nhiều lần bị hành, ông đành... chào thua. “Làm chứng chẳng có lợi lộc gì, tốn tiền xăng, tốn cơm nhà, áo vợ. Suốt ngày ăn no rồi đi hầu mấy “ông nội” kia lại còn bị bên này, bên kia ghét. Chưa hết, công an xuống, hàng xóm dị nghị nên riết rồi chẳng ai muốn dây vào chuyện làm chứng”, ông Tư Ngai than.
Mất việc vì đi làm chứng
Vụ va quệt xe dẫn đến án mạng chiều 6.8.2010 trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án do một số vướng mắc về tội danh. Nhưng “kết quả” của nhân chứng trong vụ án này, anh Võ Minh Được (tạm trú tại TP.HCM), thì phải khổ sở một thời gian dài và mất việc làm.
Thời điểm xảy ra vụ án, có rất nhiều người chứng kiến vì vụ việc xảy ra giữa đường, có đông người buôn bán. Nhưng hầu hết mọi người được hỏi đều lắc đầu, riêng anh Được nhiệt tình cung cấp tên tuổi, địa chỉ, tường trình lại toàn bộ diễn biến của vụ việc ngay tại hiện trường mà không hay biết những khổ sở, mệt mỏi về sau. Anh Được nhớ lại: “Ngoài việc ghi lời khai ở hiện trường, tôi còn bị công an mời 6 lần. Mỗi lần cách nhau 1, 2 ngày, thậm chí có ngày mời 2 lần. Lúc đó, tôi đang chạy xe du lịch cho chủ, ăn lương tháng. Mỗi lần công an mời là coi như ngày đó tui bị trừ lương, để chủ lấy tiền đó thuê người khác chạy thế. Thấy tui cứ bị công an mời hoài, ông chủ âm thầm kiếm người khác và cuối cùng thông báo cho tui nghỉ việc. Sau sự cố đó, tôi không có thu nhập để trả tiền thuê nhà đành phải cho vợ con về quê, còn tui ở ké nhà bà chị, tạm thời chạy bàn phục vụ quán ăn với thu nhập chỉ 70.000 đồng/ngày để chờ xin làm tài xế”.
Nhưng ám ảnh nặng nề hơn với nhân chứng này là khi được mời đi nhận dạng trực tiếp hung thủ. “Vừa bước vào phòng thấy những người đó mặt mày lầm lì, ánh mắt dữ dằn, người xăm vằn vện, tui toát mồ hôi vì lo sợ bị trả thù. Cũng may, lần đó không có ai là hung thủ ở đó. Sau lần đó, tôi đổi luôn số điện thoại vì sợ bị trả thù, sợ bị công an làm phiền. Nhưng nào có yên. Gọi điện thoại mời không được thì công an khu vực đến tận nhà, nào có trốn được”, anh Được kể.
Trốn cũng không được Theo luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM), người làm chứng khi được triệu tập để cung cấp những thông tin, tình tiết liên quan đến vụ án không được từ chối nếu không có lý do chính đáng. Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội từ chối khai báo theo điều 308 BLHS. Nếu khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 307 BLHS về tội khai báo gian dối. Pháp luật không có quy định cụ thể trường hợp nào thì dùng giấy triệu tập, trường hợp nào thì dùng giấy mời. Theo Thông tư 01/2006/TT-BCA, giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong ngành công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Còn theo bộ luật Tố tụng hình sự thì ngoài cơ quan điều tra còn có viện KSND và TAND được triệu tập người làm chứng đến làm việc. |
Lê Nga
>> Kỳ 1: Khổ như... nhân chứng
>> Kỳ 2: Đang ôn thi thì công an dẫn đi...
Bình luận (0)