Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, dự luật BHXH sửa đổi dự kiến sẽ được trình QH tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2014. Qua 6 năm thực hiện luật, đến cuối năm 2012 mới chỉ có khoảng 10,577 triệu người tham gia BHXH, tương đương 78% tổng lao động thuộc diện bắt buộc tham gia; chỉ có 0,14 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
So sánh tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc lẫn tự nguyện chỉ mới chiếm 20% lực lượng lao động hiện tại với mục tiêu đặt ra đến 2015 là 33%, năm 2020 là 50%, ông Lợi nhấn mạnh “để đạt được mục tiêu này là hết sức khó khăn và thách thức”.
Để thu hút người lao động tham gia BHXH, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, cho rằng cần xây dựng hệ thống BHXH hoàn chỉnh, theo nguyên tắc đóng - hưởng, bao gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, theo hướng mở rộng tối đa đối tượng tham gia, nhất là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cũng khuyến nghị cần “cải cách cơ bản chính sách BHXH” bằng việc tách chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản kết hợp với luật BHYT; tách chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kết hợp với luật An toàn lao động và vệ sinh lao động; kết hợp chế độ bảo hiểm thất nghiệp với luật Việc làm. Nội dung luật BHXH chỉ còn chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc và tự nguyện, khi đó hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thu hút nhiều người tham gia BHXH.
Dự luật BHXH sửa đổi bổ sung 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; Chủ hộ kinh doanh cá thể; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương. Góp ý về quy định này, TS Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) đề nghị nên quy định 2 nhóm đối tượng sau thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.
Bảo Cầm
>> Thắc mắc về bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội tự nguyện
>> Giải thích của Bảo hiểm xã hội TP.HCM
>> Chưa thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội
Bình luận (0)