|
Sáng 3.10, mức nước đo được tại sông Ba, đoạn ở Bến Mộng thuộc TX.Ayun Pa, trên mức báo động 3, cách báo động khẩn cấp 80 cm. Nước sông Ba đến chiều tiếp tục lên nhanh.
Tại huyện Ia Pa, lũ trên sông Ba đã gây ngập hàng chục nhà dân cùng hàng chục héc ta hoa màu và nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã. Tại huyện Krông Pa, lũ đã nhấn chìm hơn 10 ha hoa màu của các hộ dân. Hiện nước sông Ba và sông Ayun đang dâng cao vì hồ thủy lợi Ayun Hạ và thủy điện An Khê - Kanat tiếp tục xả lũ từ 375 - 550 m3/giây.
Tại Phú Yên, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ lên 2.400 m3/giây do trong những ngày qua trên lưu vực thượng nguồn sông Ba có mưa lớn. Hiện mực nước hồ thủy điện này đạt đến mực nước thiết kế là 105 m.
Bình Định: Chìm đò vượt lũ, nhiều học sinh thoát chết
Sáng 3.10, một chuyến đò nhỏ chở hơn 10 người (trong đó có nhiều học sinh đi học) và một xe máy đã bị chìm khi đang vượt bờ tràn Huỳnh Mai, trên tỉnh lộ 640 thuộc thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, H.Tuy Phước (Bình Định). Do mới rời bến khoảng 5 m và chưa đến đoạn nước sâu, chảy xiết nên rất may không có thiệt hại về người. Từ khoảng 8 giờ sáng, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm bờ tràn trên ngập sâu trong nước hơn 0,5 m, gây chia cắt đoạn đường từ H.Tuy Phước xuống các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Hưng… Nhiều xe máy, xe tải bị chết máy vì nước ngập sâu. Đến 11 giờ 30 phút, tuyến xe buýt từ thị trấn Tuy Phước về các xã khu đông và xã Cát Tiến (H.Phù Cát) phải tạm dừng hoạt động.
Quảng Ngãi: Tắc đường, 400 hộ dân bị cô lập
Hôm qua 3.10, Sở GTVT Quảng Ngãi huy động phương tiện, lực lượng đến các điểm sạt lở trên QL24C đoạn qua địa bàn H.Trà Bồng tập trung khắc phục. Nhưng do khối lượng đất đá đổ xuống mặt đường quá lớn nên đến chiều cùng ngày QL24 nối các huyện miền núi Quảng Ngãi với Quảng Nam vẫn chưa thông tuyến. Trong khi đó, tại huyện miền núi Sơn Tây, mưa lớn làm tuyến độc đạo vào thôn Tà Dô (xã Sơn Tân) bị sạt lở nghiêm trọng với hơn 10.000 m3 đất, đá khiến trên 400 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu ở thôn này bị cô lập hoàn toàn.
Nghệ An: 4 người chết và mất tích, thiệt hại 1.239 tỉ đồng
Ngày 3.10, BCH Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết bão số 10 và lũ sau bão đã làm 3 người chết, 1 người mất tích. Thiệt hại kinh tế ước tính 1.239 tỉ đồng, trong đó riêng TX.Hoàng Mai là 800 tỉ đồng. Mưa bão đã làm 10 nhà dân bị đổ sập, 124 căn bị tốc mái, 22.269 nhà bị ngập nước, 7.648 con gia cầm và 317 con gia súc bị lũ cuốn trôi, 26 tàu cá bị chìm, 3 mảng bè mất tích, nhiều cầu cống, đê kè bị hư hại nặng nề.
Lốc xoáy làm hư hại hàng chục căn nhà Khoảng 1 giờ ngày 3.10, trên địa bàn P.Phú Hải, TP.Đồng Hới, Quảng Bình đã xảy ra trận lốc xoáy làm 13 ngôi nhà bị hư hại nặng, 3 người bị thương. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lốc xoáy giật bay tất cả mái nhà, tường rào trong phạm vi ảnh hưởng; trong số này, nhiều nhà vừa mới tu sửa sau khi bị bão số 10 hoành hành. Trường mầm non Phú Hải bị thiệt hại nặng nề nhất, gần như toàn bộ phòng ốc, sân chơi cho trẻ đều bị cuốn phăng, gạch đá nằm tứ tung. Sau trận lốc, UBND P.Phú Hải đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ đến các nhà bị hư hỏng giúp người dân khắc phục hậu quả. Trước đó, tại thôn Phú Môn, xã Lộc An, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, một cơn lốc xoáy cũng đã càn quét qua vùng đất này trong khoảng 10 phút vào chiều 2.10 khiến 7 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây cối đổ ngã. Trương Quang Nam - Đình Toàn |
Quảng Nam: Vùng cao sạt lở, hạ du ngập nước Đến chiều qua, mực nước sông trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) đang rút chậm, nhưng vẫn còn ngập nặng ở vùng trũng và ven sông. Hậu quả của đợt xả lũ đồng loạt từ các thủy điện gây thiệt hại nặng đối với các xã Đại Hưng, Đại Lãnh (H.Đại Lộc). Nhiều ngôi nhà ngập sâu trong nước, chỉ còn nhô nóc. Nước lũ tiếp tục chia cắt tuyến đường giao thông độc đạo địa phận xã Đại Lãnh, Đại Hưng, người dân phải di chuyển bằng đò. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân ở 5 xã vùng cao: Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công (H.Phước Sơn) vẫn bị cô lập do đường sá sạt lở nặng. Ở khu vực “túi lũ” Hội An, từ trưa 3.10 nước dâng xấp xỉ báo động 2 nên địa phương di dời cục bộ ở khu vực xã Cẩm Kim. Tại H.Bắc Trà My, xuất hiện hơn 20 điểm sạt lở ở tuyến đường ven lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 lên xã Trà Bui và các khu tái định cư. Ngoài ra, ngày 3.10, Trung tâm PCLB miền Trung - Tây nguyên cho hay vào lúc 12 giờ ngày 2.10 đã phát hiện thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ về hạ lưu với lưu lượng 2.744 m3/giây khiến mực nước các sông vùng hạ du lên nhanh bất thường, các H.Đại Lộc, Phước Sơn ngập nặng. Trung tâm lập tức báo cáo với Ban chỉ đạo (BCĐ) PCLB T.Ư để BCĐ trao đổi với BCĐ PCLB Quảng Nam cũng như thủy điện Đăk Mi 4 để giảm lưu lượng xả lũ, lúc 5 giờ ngày 3.10 lưu lượng xả còn là 814 m3/giây. Điều đáng nói, BQL dự án Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Idico) thông báo đến BCH PCLB-TKCN TP.Đà Nẵng, BCH PCLB Quảng Nam, BCH PCLB các H.Phước Sơn, Nam Giang và Đại Lộc lúc 8 giờ 40 phút ngày 2.10 về việc sẽ xả lũ lúc 9 giờ cùng ngày, tức chỉ cho các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp 20 phút để triển khai sơ tán dân. Trong khi đó, lúc 8 giờ, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ về hạ du sông Vu Gia từ 500 - 1.000 m3/giây và về hạ du sông Thu Bồn 97 m3/giây.
H.X.H - N.Tú |
Thanh Niên
Bình luận (0)