Côn trùng mất hứng yêu vì bão

06/10/2013 03:00 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy côn trùng tránh yêu đương khi khứu giác phát hiện có bão đang đến gần.

Nghiên cứu mới cho thấy côn trùng tránh yêu đương khi khứu giác phát hiện có bão đang đến gần.


Côn trùng khổ sở khi thời tiết thay đổi - Ảnh: Tukipedia.com 

Côn trùng là nhóm động vật đông đảo và đa dạng nhất trên thế giới. Giới khoa học thống kê được hơn 1 triệu loài côn trùng. Tuy nhiên, kích thước và bề ngoài yếu đuối luôn khiến chúng dễ dàng bị thiệt mạng trước gió mạnh và bão tố. “Đối với rệp vừng, đối phó với một giọt mưa chẳng khác nào như trường hợp một người sắp bị tủ lạnh rơi trúng đầu”, theo Jeremy McNeil, chuyên gia nghiên cứu sâu bọ và sinh thái học  của Đại học miền Tây Ontario ở Canada.

Cuộc nghiên cứu sơ bộ do McNeil và các đồng sự thực hiện cho thấy côn trùng đã thay cách tỏa mùi và phản ứng với pheromone, mùi hương có liên quan đến hoạt động tình dục, dựa trên thời tiết. Nhằm tìm hiểu cách thức những con vật nhỏ bé này sống sót khi bão ập đến, họ nghiên cứu hành vi kết đôi của 3 loài côn trùng rất khác biệt: bọ cánh cứng, sâu bướm và rệp vừng. Các chuyên gia tập trung vào hoạt động tình dục của chúng phụ thuộc vào những điều kiện thời tiết cụ thể như khi áp suất không khí sụt giảm, ổn định hoặc tăng cao. Theo đó, áp suất không khí giảm liên quan đến mưa to gió lớn, và kết quả quan sát cho thấy bọ cánh cứng đực ít phản ứng trước mùi hương mời gọi từ con cái. Đồng thời, gần 2/3 số bọ đực trong phòng thí nghiệm làm quấy quá cho xong nhiệm vụ, thay vì phải thực hiện đủ động tác “khởi động” như bình thường.

“Côn trùng dự đoán được thời tiết để điều chỉnh hoạt động sống giống như chúng ta vẫn làm”, theo chuyên gia McNeil. Ông giải thích con người dựa vào dự báo thời tiết để không lên kế hoạch đi cắm trại vào ngày có mưa, và do không thể nào nghe đài như chúng ta, các loài côn trùng phát triển theo cách riêng để xác định ngày mưa, ngày nắng để đảm bảo sự tồn tại của chúng. Và tùy theo cơ chế sinh học của từng loài, mỗi loại côn trùng trong cuộc nghiên cứu phản ứng khác nhau với các điều kiện thời tiết cụ thể. Chẳng hạn khi các chuyên gia giảm áp suất không khí bên trong phòng chứa côn trùng, sâu bướm cái ít phóng ra pheromone tình dục hơn bình thường. Tuy nhiên, rệp vừng cái lại giảm hoạt động “gần gũi” một khi áp suất không khí có biến động, dù lên cao hoặc xuống thấp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể côn trùng được trang bị những loại cảm biến cơ khí trên bộ xương ngoài của chúng để phát hiện hiệu quả chuyển động của không khí, hoặc có thể những sự thay đổi về kích thước bong bóng trong ruột của một số loài bọ cánh cứng giúp chúng “cảm giác” được sự thay đổi trong áp suất khí quyển. Các chuyên gia cũng muốn khám phá ảnh hưởng của thời gian sống đối với phản ứng của côn trùng trước thời tiết. Ví dụ dế có thể sống được 3 tháng, nên cá thể vừa trưởng thành sẵn sàng làm mọi cách để kéo dài cuộc sống, trong khi dế già yếu mặc kệ diễn biến của thời tiết để tận hưởng khoái lạc càng nhiều càng tốt?

Trong bối cảnh trái đất đang ấm dần lên, những khám phá dạng này cho thấy sự thay đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hành vi của côn trùng, nhưng chưa rõ theo hướng tích cực hay tiêu cực, theo báo cáo trên chuyên san PLOS ONE.

Phi Yến

>> Thấu kính kết hợp mắt người - côn trùng
>> Quan hệ đồng giới ở côn trùng
>> Côn trùng lạ tràn ngập nhà dân
>> Ăn côn trùng để chống nạn đói
>> Robot mô phỏng côn trùng
>> “Sát thủ” côn trùng
>> Camera dựa trên mắt côn trùng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.