* Đi xe máy suốt đêm về viếng Người
* An táng Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến
Ngày thứ hai, hàng người chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn dài hơn buổi đầu tiên, trong đó có những khối đồng phục học sinh, sinh viên. Nhưng cũng có cả những người đứng tuổi, lòng mang nhiều kỷ niệm với ông từ thời trai trẻ.
|
Đặng Tiểu Tô Sa ở trong nhóm đứng đầu tốp học sinh mặc đồng phục. Các em học Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội - một trường học chủ trương khuyến khích tự lập, tự học. “Đoàn chúng em có 60 người là học sinh tiêu biểu của lớp và những người muốn đi cùng. Một số bạn bận việc sẽ đi sau”, Tô Sa nói. Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết nhiều em học sinh mong muốn được đi viếng ở nhà Đại tướng nên nhà trường đứng ra tổ chức, vì “lúc truy điệu chắc các cháu không thể đến. Đó là cảm tình của các cháu. Chúng tôi cũng bố trí một số cháu thôi chứ không thể đi toàn trường được. Để các cháu được biểu lộ tình cảm. Đó là tình cảm thiêng liêng mà. Như thế là tốt, đáng trân trọng. Nếu các cháu vô cảm không biết gì thì đó là lo”.
|
Nếu Tô Sa được trường tổ chức cho đi thì Văn Hiền, một học viên trung cấp ở Việt Trì lại tự đi một mình lên Hà Nội. Sau khi xin phép bố mẹ, Hiền đã nhảy xe khách lên đây, mang theo ba tấm ảnh ghép vào nhau đến viếng. Trước đó, Hiền đã chọn ảnh trên mạng rồi in ra. Một bức Đại tướng thời trẻ, một bức bây giờ... và bức còn lại là trận đánh ở Điện Biên Phủ. “Bố em không là bộ đội nhưng bố em là đảng viên. Em cũng là đoàn viên rồi. Em sẽ học nhiều hơn, làm nhiều hơn để xứng đáng với Người”, cậu học viên nói.
“Tôi mừng vì trong hàng người viếng có nhiều người trẻ. Nó chứng tỏ các em quan tâm đến người có công với nước”, ông Chu Quảng Cư, một cựu chiến binh ở Sơn Tây nói. Còn thầy Văn Như Cương phân tích: “Tại sao các cháu lại yêu mến và thần tượng Đại tướng? Vì đó là con người lớn lao. Người có tầm ảnh hưởng lớn thì không chỉ con người cùng thời thần tượng. Mọi người cùng chờ phút tiễn đưa”.
Truyền nhiệt huyết
Trong hàng người không chỉ có các bạn trẻ thần tượng Đại tướng. Ở đó có cả những người đã thần tượng ông từ thời họ còn rất trẻ, cho tới suốt một đời. “Thời thanh niên, tôi thần tượng bác Giáp nhiều lắm. Hồi còn học trò, mình còn vẽ bác qua ảnh”, đại tá họa sĩ Lê Duy Ứng nói. Lúc vẽ những bức ảnh Tướng Võ Nguyên Giáp đầu tiên, mắt ông còn tinh anh. Sau đó, ông Ứng bị thương hỏng mắt. Hồi 1975, tại Quân y viện 108, lần đầu tiên ông gặp Đại tướng nhưng lại không thể nhìn rõ. “Tôi tạc tượng Bác Hồ, bác Giáp đứng sau lưng xem. Bác khen tôi nặn đẹp, có bàn tay nhạy cảm”, ông Ứng kể. Nghe tiếng người nói đúng giọng Quảng Bình quê hương, ông Ứng quờ tay còn đầy đất sang ngang lưng người đó rồi hỏi ai đấy. Đại tướng khi ấy nói: “Đại tướng đây”. “Bác nói với tôi nhạc sĩ Beethoven không nghe được mà vẫn sáng tác nhạc hay. Cháu lấy tấm gương đó mà phấn đấu và rèn luyện. Tôi có cảm giác như một người thầy động viên mình”.
|
“Cũng từ đó mỗi lần chán nản tôi lại nghĩ đến cả hai người. Bác Hồ nói tàn nhưng không phế. Bác Giáp nói chuyện Beethoven. Năm bác Giáp 90 tuổi, tôi được nặn tượng bác. Được ngồi gần, sờ vai bác. Đặc biệt là bác Giáp hay cho tôi nhìn sát vào bác, chỉ cách độ gang tay. Bác biết tôi mắt kém nên bảo Ứng cứ nhìn sát vào mắt của mình đi. Có lần chỉ cách bác độ gang tay”, ông Ứng xúc động nhớ lại.
Bức tượng hôm nào giờ đã hoàn thành, được ông Ứng mang đến dâng lên Đại tướng. Tượng cao chỉ chừng 30 phân. Nhưng cảm hứng mà Đại tướng gieo vào lòng vị đại tá từ thuở thanh niên đến khi đầu bạc thì không nói hết.
Cùng hòa vào hàng người, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Quốc Uy nói: “Thanh niên tuy không được chứng kiến thời ông cầm quân, nhưng họ vẫn ngưỡng mộ Đại tướng. Họ nhận thức đất nước, dân tộc được như ngày nay là nhờ tiền bối. Họ tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn hàng người trẻ tới đây, tôi thấy cả lòng kính yêu và ý thức dân tộc. Đương nhiên kính yêu Đại tướng, nhưng ý thức dân tộc còn lớn hơn”.
"Lòng tôi đã thanh thản, mãn nguyện rồi” Hòa trong dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 7.10, ông Nguyễn Tiến Công khiến nhiều người cảm phục khi thấy ông lấy ô làm gậy, cần mẫn dò từng bước chân về phía nơi đặt bàn thờ tưởng niệm.
Khoảng 9 giờ, ông Công đón xe ôm từ nhà trọ ở phố Vũ Hữu (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lên phố Hoàng Diệu. Đứng xếp hàng cả buổi sáng nhưng không kịp giờ viếng thăm, ông Công một mình ngồi trú nắng bên lề đường chờ đến buổi chiều. Cảm mến tấm lòng của người đàn ông khiếm thị dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Phạm Quang Huy, công tác ở Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, tình nguyện đồng hành, giúp ông Công hoàn thành tâm nguyện. Ông Công chia sẻ, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế mà lòng nghẹn ngào tiếc nuối, cảm giác như mất đi người thân. Ở nhà ngóng tin bồn chồn không yên, không biết đường nhưng giá nào cũng phải đến từ biệt Đại tướng. Quê ở H.Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông Công cùng vợ con thuê nhà, mưu sinh ở Hà Nội từ nhiều năm nay. Khi còn khỏe mạnh, ông mưu sinh bằng công việc bán hàng và hành nghề mát xa, nhưng hiện giờ sức khỏe yếu, không làm được việc gì. Đam mê tìm hiểu lịch sử, ấn tượng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Nguyễn Tiến Công là vị tướng tài có tấm lòng đức độ, hết lòng cống hiến cho dân tộc. Cuộc đời Đại tướng, dù rơi vào những hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn lạc quan, không bao giờ nản chí. Đó cũng là bài học ông Công thấm thía, học từ tấm gương và cuộc đời Đại tướng. “Không có cơ hội gặp gỡ Đại tướng khi người còn sống nhưng giờ được ghé thăm nhà, cúi đầu trước di ảnh, bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ với ông thì lòng tôi đã thanh thản, mãn nguyện rồi”, ông Công trải lòng. P.Hậu |
Đi xe máy suốt đêm về viếng Người Từ thị trấn Mường La, H.Mường La (Sơn La), bà Quách Thị Dung (54 tuổi) về Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà kể: “Biết tin gia đình Đại tướng cho người dân đến viếng, tôi cùng 4 người thân ở Mường La đi xe máy về Hà Nội. Chúng tôi không kịp chờ xe ô tô, cứ thế là đi; chỉ mong trời sáng xuống đến Hà Nội cho kịp giờ viếng Người. Nghe tin Đại tướng mất, thương xót lắm... Trước có Bác Hồ, sau có bác Giáp, một người giỏi giang, giàu nhân đức chưa từng có ở đời”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngân Quý (đội văn công xung kích Thái Bình) đến viếng Đại tướng còn nhớ như in lời Người dặn. “Tôi cứ nghĩ, đã là Đại tướng thì ăn vận phải oai sang, ăn to nói lớn và phải là râu hùm hàm én mày ngài. Nhưng khi gặp, tôi cực xúc động vì ông rất gần gũi với quần chúng, đồng đội. Bác bảo các cháu vào đây hát thật nhiều cho bộ đội nghe. Các cháu cũng là một trong những mũi xung kích, là người lính chiến đấu bằng lời ca, tiếng hát, cây đàn. Bộ đội đánh giặc bằng súng, các cháu bằng tiếng hát, tiếng đàn. Chính những thứ này khích lệ bộ đội dũng cảm chiến đấu”, bà Quý kể. Nguyễn Tuấn - Lê Quân (ghi) |
Xếp hình trái tim tưởng niệm Tối 6.10 tại Vườn hoa Lê-nin, cách nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp một con phố, lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhóm Trái tim vì cộng đồng và Phượt tình nguyện tổ chức khiến những người dự xúc động trước tình cảm chân thành của bạn trẻ. 103 bạn trẻ mặc áo mang màu cờ Tổ quốc, xếp theo hình trái tim ôm trọn dòng chữ "Võ Nguyên Giáp" được xếp bằng hoa hồng và những ngọn nến lung linh.
Lửa được thắp lên, không gian xung quanh như lắng lại, lễ tưởng niệm trang nghiêm mở màn bằng phút mặc niệm khiến ai nấy rưng rưng. Từ hoa hồng, nến đỏ, nến trắng đến những người tham gia xếp hình trái tim, tất cả đều lấy chung con số 103 tượng trưng cho tuổi thọ vị Đại tướng kính yêu, thần tượng trong trái tim nhiều bạn trẻ. Nhiều cựu chiến binh, người dân đi đường đã dừng lại, cùng đứng nghiêm trang, chắp tay trước ngực bày tỏ tấm lòng tri ân, tôn kính. Ý tưởng về lễ tưởng niệm khởi nguồn từ Lê Vũ Thăng, phụ trách nhóm Trái tim vì cộng đồng. Chia sẻ lên diễn đàn, ý tưởng lễ tưởng niệm nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều thành viên. Ngoài thành viên Trái tim vì cộng đồng, Thăng rủ thêm bạn bè bên nhóm Phượt tình nguyện tham gia cho đủ 103 thành viên. “Chọn hình trái tim bao quanh dòng chữ Võ Nguyên Giáp, nhóm mong muốn truyền tải thông điệp: dù có rời xa cõi đời này, cái tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi trường tồn, khắc ghi trong tim bạn trẻ, mỗi người dân Việt Nam”, Thăng chia sẻ . P.Hậu |
An táng Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến Chiều 7.10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính, thành viên Ban Lễ tang Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, cho PV Thanh Niên biết sau cuộc họp cùng ngày giữa T.Ư, tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã đồng ý việc an táng Đại tướng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thể theo nguyện vọng của Đại tướng lúc còn sống và của gia đình.
Vũng Chùa - Đảo Yến cách đèo Ngang chừng 7 km, cách QL1 khoảng 3 km, thuộc địa phận xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch. Đây là khu vực phong cảnh hữu tình, yên bình, lưng tựa núi mặt nhìn ra biển lớn; là nơi rất kín gió, tàu thuyền neo trú an toàn. Trương Quang Nam |
Trinh Nguyễn
>> Đại tướng và những tình cảm với ngôi trường cũ
>> Chính thức chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Chuẩn bị kỹ cho Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được chuyển bằng máy bay vào Quảng Bình
>> GSTS Võ Tòng Xuân: Đại tướng dặn tôi 'Đừng quên cây mít nhé
>> Nhiều thế hệ không cầm được nước mắt khi nhắc đến Đại tướng
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chiến lược gia kiệt xuất
>> Đi xe máy hàng trăm cây số trong đêm đến viếng Đại tướng
>> Bật khóc khi viết cảm tưởng về Đại tướng
Bình luận (0)