Trao đổi với Thanh Niên, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vũ Mão cho rằng sau quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, T.Ư Đoàn nên tổ chức các hoạt động hâm nóng và nuôi dưỡng lý tưởng tốt đẹp của thanh niên.
Hàng vạn người khắp nơi đã và đang về viếng Đại tướng - Ảnh: Độc Lập |
Theo ông Vũ Mão, việc tổ chức quốc tang với Đại tướng phản ánh Bộ Chính trị đã có quyết định “phù hợp với lòng người”. “Trước nay chưa có trường hợp nào ngoại lệ được tổ chức quốc tang như Đại tướng. Các trường hợp khác đã được tổ chức quốc tang đều nằm trong quy định”, ông Mão nói.
Ông ấn tượng thế nào về tình cảm của các tầng lớp nhân dân dành cho vị tướng huyền thoại của chúng ta những ngày qua?
Việc tổ chức quốc tang cho bác Giáp là rất hợp lòng dân. Trên thực tiễn, trong những ngày qua và sắp tới, tấm lòng, tình cảm của người dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho bác Giáp rất đặc biệt, không một bài văn nào lột tả được. Đó là trường hợp rất hiếm có trên thế giới cũng như VN chúng ta.
Tôi có dịp quan sát quốc tang lãnh đạo trước nay, thấy đây là một trong những trường hợp rất hiếm có phản ánh tình cảm đặc biệt của nhân dân với người quá cố. Trường hợp đầu tiên là Bác Hồ, và bây giờ là bác Giáp. Thật ra đối với các lãnh tụ xuất sắc của chúng ta như cố Tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn, đại tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... nhân dân đều xúc động tiễn đưa. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là trường hợp rất hãn hữu mà tình cảm nhân dân dâng trào lên mức như thế, biểu hiện qua việc hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí sẽ là hàng triệu người xếp hàng trước nhà 30 Hoàng Diệu để chờ viếng.
Ông hình dung như thế nào về lễ quốc tang Đại tướng trong lòng dân?
Đã là quốc tang và trong trường hợp đặc biệt nhà nước tổ chức như vậy thì sẽ có quy mô đặc biệt, nghi thức cao nhất. Trong quân đội tất cả các lực lượng cũng sẽ tổ chức với nghi thức cao nhất dành cho Đại tướng. Nhưng nghi thức cao hơn cả vẫn là ở trong lòng dân. Với hàng triệu người đến viếng bác Giáp như vậy thì không có gì có thể quy định hay tổ chức, sắp xếp được vì nó là tình cảm xuất phát từ con tim mỗi người. Nếu nói về mặt nào đó, tôi tin người ta sẽ tôn thờ bác Giáp như một vị thánh, như đã tôn vinh tướng Trần Hưng Đạo. Đây không phải ai quy định, cho hay không cho mà là sự suy tôn của dân.
Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) là nơi được cố Đại tướng và gia đình chọn làm nơi an táng. Phải chăng quyết định này nói lên tính cách bình dị và tấm lòng luôn trĩu nặng với quê hương của Đại tướng?
|
Tôi cũng chỉ mới nghe thông tin như vậy, tôi hiểu là con người ta sinh ra đều gắn với quê hương, đất mẹ. Đại tướng trở về Quảng Bình là nơi chôn nhau cắt rốn thì đó là tình cảm rất tốt đẹp, vì quê hương là nơi nuôi dưỡng, dạy chúng ta những bài học làm người sâu sắc nhất. Thứ hai là khi Đại tướng chọn an táng ở Vũng Chùa, có điểm tựa là phía dãy núi Trường Sơn nhìn ra biển Đông. Dãy Trường Sơn đối với dân tộc ta thiêng liêng lắm, đó là dãy núi đã ôm ấp, nuôi dưỡng, nâng đỡ những người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời thể hiện tình đoàn kết của chúng ta với các nước bạn.
Nói về phong thủy, điểm tựa là rất quan trọng. Tựa vào núi từ đó nhìn xa, mở mang ra thì rất tuyệt vời, nhất là phía trước là biển Đông mênh mông rộng lớn mà chúng ta luôn tâm niệm giữ gìn, bảo vệ bằng mọi giá. Nói về sự nghiệp để bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, Bác Hồ đã nói chúng ta có rừng, có biển, phải bảo vệ biển đảo để phát triển đất nước, cho nên quyết định của Đại tướng là việc làm có chủ đích, có chiều sâu.
Lý do khác ông chọn về Quảng Bình, theo tôi vì đây là vùng nắng gió, bão lụt mưa sa rất vất vả, nếu Đại tướng được an táng ở đây thì Quảng Bình sẽ có thêm nơi thu hút rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan, giúp cho Quảng Bình cũng như đất nước phát triển.
Từng là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, ông có ấn tượng hay kỷ niệm sâu sắc gì về Đại tướng với giới trẻ?
Trong cuộc đời sự nghiệp của bác Giáp, ông rất quan tâm đào tạo lớp trẻ. Ông chính là người ký quyết định thành lập trường thiếu sinh quân năm 1949, tìm ra mô hình đào tạo lớp trẻ thành lớp cốt cán phục vụ đất nước sau này, nhiều người từ trường thiếu sinh quân đã thành danh trên các lĩnh vực, từ văn học nghệ thuật, khoa học… đến chính trị. Sau này ông nhắn nhủ chúng tôi hãy duy trì các trường thiếu sinh quân để đào tạo lớp trẻ thành các cán bộ cốt cán xây dựng đất nước về sau.
Ngoài ra, khi còn là Phó thủ tướng phụ trách nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học công nghệ, ông rất quan tâm đến thanh niên và luôn nhắn nhủ thanh niên phải tiến quân vào khoa học kỹ thuật. Ông đã từng lên thăm công trường thủy điện Hòa Bình và quan tâm tới công trường thanh niên Sông Đà, hỏi han rất kỹ lưỡng, rất quan tâm và tin tưởng vào thế hệ trẻ. Chính vì thế mà thế hệ trẻ nhìn ông như một tấm gương, niềm tự hào của dân tộc. Ngay thời còn rất trẻ, ông đã tham gia cách mạng, ngoài 30 tuổi đã là Đại tướng, đó là tấm gương mẫu mực, đáng kính cho thế hệ trẻ noi theo.
Việc Đại tướng qua đời và nhà nước tổ chức lễ quốc tang sẽ khơi dậy điều gì trong giới trẻ nhân dịp này, theo ông?
Sự kiện bác Giáp mất và toàn dân bày tỏ lòng thương tiếc, kính trọng bác, trong đó có các bạn trẻ, trong thời điểm này rất tốt nhưng thời điểm này qua đi sẽ còn đọng lại gì? Ít nhất Đoàn thanh niên phải có thảo luận nghiên cứu sâu về đạo đức, sự cống hiến, đóng góp của bác Giáp, để tiếp tục hâm nóng tình cảm của thế hệ trẻ đối với người anh hùng dân tộc như Bác. Chính Đoàn thanh niên cần đề xuất với Đảng, Nhà nước những việc cần làm tiếp theo để tôn vinh, nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp của thanh niên từ hình tượng, tấm gương Đại tướng.
Thanh Mai (thực hiện)
>> Võ Nguyên Giáp: Tầm vóc một huyền thoại
>> Những hình ảnh quý hiếm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên Chủ tịch Hồ Chí Minh
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến lược 'giữ biển
>> Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng mang tầm vóc quốc tế
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chiến lược gia kiệt xuất
Bình luận (0)