Sắp có thiết bị cứu hộ khi đuối nước

09/10/2013 14:57 GMT+7

Nhằm phục vụ cho nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển Bà Rịa- Vũng Tàu, kỹ sư Lê Hữu Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam (Viện vũ khí Tổng cục Công nghiệp quốc phòng-Bộ Quốc phòng) vừa giới thiệu đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển”.

Nhằm phục vụ cho nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển Bà Rịa- Vũng Tàu, kỹ sư Lê Hữu Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam (Viện vũ khí Tổng cục Công nghiệp quốc phòng-Bộ Quốc phòng) vừa giới thiệu đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển”.

Sắp có thiết bị cứu hộ khi đuối nước
Kỹ sư Lê Hữu Sơn giới thiệu đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển” - Ảnh: Nghing Phong

Bà Rịa- Vũng Tàu là tỉnh có bờ biển kéo dài và nền kinh tế gắn liền với biển rất phát triển với nhiều loại hình như khai thác thủy sản, dầu khí, vận tải biển, đặc biệt là du lịch biển. Trong khi lực lượng lao động và khách du lịch tiếp xúc với biển lớn cộng với điều kiện bãi tắm có các ao xoáy nguy hiểm, nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn chưa được quan tâm. Nhất là khi lực lượng cứu hộ mỏng và ít phương tiện hỗ trợ cứu hộ biển thì việc nghiên cứu ra một phương tiện hỗ trợ cứu hộ biển là hết sức cấp thiết.

Sau khi khảo sát thực tế tại biển Bà Rịa- Vũng Tàu và làm việc với lực lượng cứu hộ biển, Sở KH-CN  đã triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển”. Năm 2011, đề tài nghiên cứu hoàn thiện và đưa vào áp dụng phục vụ cho nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trên biển của tỉnh.

Bắn phao để cứu người

Theo kỹ sư Lê Hữu Sơn, thiết bị phóng phao được nghiên cứu chuyên dùng cho lực lượng cứu hộ trên biển của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. “Trong trường hợp có người bị đuối nước, phao cứu hộ được lực lượng cứu hộ bắn ra xa với tầm phóng tối đa 75m. Khi bắn, phao có khả năng tự thổi và nâng được người nặng 80 kg. Màu sắc phao được thiết kế nổi bật nên người bị đuối nước rất dễ nhận biết. Thời gian bung phao sau khi tiếp nước khoảng 2 giây, phao có thể phóng 2-3 phát/ phút. Đầu phao có thể bảo quản trong 3 năm”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo kỹ sư Lê Hữu Sơn: “Thiết bị phóng phao này có khả năng cứu hộ tầm xa, bung phao tin cậy, kết cấu đơn giản. Kết cấu phóng phao theo nguyên lý triệt âm, hoạt động tốt không có tiếng nổ. Phao tự thổi hóa học không cần dung bình CO2 lỏng, giá thành hạ, sản xuất đơn giản. Nếu đem so với các thiết bị nước ngoài thì không cần các phụ kiện cồng kềnh kèm theo như bình khí CO2 lỏng, phần tử kích hoạt khi tiếp xúc với nước”.

Kỹ sư Sơn cho biết thêm, trong giai đoạn hoàn thiện, đề tài tập trung vào một số vấn đề chính như hoàn thiện thiết bị với các thông số kỹ thuật phù hợp hơn với lực lượng cứu hộ và với điều kiện thực tế ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; tính toán thiết kế lại thiết bị từ tư thế chống đất phóng phao về phương án tỳ vai để nâng cao chính xác, tính cơ động và thuận tiện sử dụng; chỉnh lại tất cả các cụm chi tiết của thiết bị từ đầu phao, cụm triệt âm, thiết bị phóng… để đạt tiêu chuẩn. Từ đó góp phần nâng cao độ tin cậy, dễ dàng chế tạo loạt lớn, dễ sử dụng và hạ giá thành sản phẩm; thử nghiệm bền lâu và huấn luyện cho lực lượng sử dụng.

Đề tài cũng đã được Hội đồng KH-CN tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nghiệm thu vào sáng 27.9.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu thì đề tài hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng tai nạn trên biển tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Thiết bị được nghiên cứu rất thuận tiện cho người sử dụng; gọn nhẹ, có tính cơ động, hiệu suất sử dụng cao. Đề tài thể hiện tính khoa học cao, đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng và người được cứu, dễ dàng, thuận tiện trong khai thác, sử dụng.

Nghinh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.