Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Cơ duyên được gặp Đại tướng của nghệ nhân Thiều Quang Tùng đến vào năm 2008, nhân kỷ niệm 60 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng. Với ý tưởng tạo ra một vật linh thiêng để thể hiện và lưu giữ chiến công lừng lẫy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Liên chi hội di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa và ông Hoàng Văn Thông, Chủ nhân Bảo tàng tư nhân Hoàng Long Thanh Hóa đã tham khảo ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê và nhà sử học Dương Trung Quốc sau đó quyết định đúc trống đồng và kiếm lệnh để dâng lên Đại tướng.
Khi ấy sự kiện dâng trống đồng và kiếm lệnh lên Đại tướng đã trở thành một sự kiện thu hút đông đảo giới truyền thông trong và ngoài nước. Trong căn phòng tiếp khách của Đại tướng là cả một rừng máy quay phim, chụp ảnh.
Ông Tùng tâm sự: “Bởi trót đam mê trống đồng mà tôi đã mất nhiều thứ, nhưng những thứ mất mát ấy chẳng thấm tháp gì so với những gì tôi nhận được do nghề đúc đồng mang đến. Vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi chính là việc được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được đúc trống, đúc kiếm dâng lên đại tướng”.
Một tuần sau ngày dâng trống đồng và kiếm lệnh, ông Hồ Quang Sơn và Thiều Quang Tùng bất ngờ khi nhận được điện thoại của đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký riêng của Đại tướng. Đại tá Huyên nói rằng Đại tướng rất vui trước sự tài hoa của bàn tay người thợ đúc đồng Đông Sơn và ông rất xúc động trước tấm lòng của người thợ Đông Sơn và người dân Thanh Hóa dành cho mình. Vì vậy Đại tướng có mời mời ông Tùng và đại diện Liên chi hội di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa ra để Đại tướng nói chuyện…
“Lúc đầu, đại tá Huyên nói Đại tướng chỉ có 30 phút để tâm tình với đoàn đúc trống thôi. Nhưng cuối cùng Đại tướng đã dành tới 90 phút để nói chuyện với chúng tôi, mặc dù đại tá Huyên đã hai lần nhắc nhở Đại tướng đi nghỉ trưa”, ông Tùng nhớ lại.
Khi nghe ông Tùng kể về quá trình mày mò nghiên cứu khôi phục nghề đúc trống đồng đã thất truyền từ hàng nghìn năm, Đại tướng hết sức chăm chú lắng nghe, rồi ông vỗ vai ông Tùng hỏi “Cháu đúc thành công hình hài chiếc trống là giỏi rồi. Thế âm thanh thì sao. Tiếng kêu có hay, có hùng tráng không?”.
Sau một thoáng lúng túng, ông Tùng đã thật thà báo cáo với Đại tướng là đã tạo ra âm trống nhưng chưa được chuẩn lắm. Và ông vẫn đang dụng nhiều tâm huyết để nghiên cứu tạo ra tiếng trống thật chuẩn đúng với âm của trồng đồng cổ. Nghe vậy Đại tướng đã động viên ông Tùng cố gắng để tạo ra những chiếc trống đồng như tiền nhân đã từng tạo tác, bởi theo Đại tướng thì “m hưởng của trống đồng chính là thứ linh khí mà tổ tiên ta đã để lại cho con cháu. Người thợ giỏi phải biết tìm, tạo ra cho được cái âm thanh linh thiêng ấy…”.
Mỗi lần nổi lửa nấu đồng, đúc trống, lời căn dặn ân cần của Đại tướng như vẫn còn nhắc nhở bên tai người thợ đúc trống đồng xứ Thanh.
Chiếc trống đồng được đúc theo phiên bản trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở Quảng Xương, Thanh Hóa, với đường kính mặt trống rộng 60 cm (tương ứng với 60 năm) và chiều cao 48 cm (chỉ năm 1948, năm Đại tướng được phong hàm). Thân trống được trang trí bằng hai hình ảnh gắn liền với sự nghiệp của Đại tướng là chiến thắng Điện Biên Phủ và xe tăng tông sập cổng sắt tiến vào Dinh Độc Lập. Thanh kiếm cũng được đúc theo phiên bản kiếm cổ Đông Sơn với phần chuôi có hai tượng kiếm. Trên hai tượng kiếm khắc họa hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến là chiến sĩ đội mũ lưới, mặc áo trấn thủ thời kỳ chống Pháp và bộ đội đội mũ tai bèo, mặc áo xanh thời chống Mỹ. |
Ngọc Minh
Bình luận (0)