Ông Huỳnh Văn Tuấn (phải) kiểm tra cá chình nuôi - Trần Thanh Phong
Cá chình thương phẩm giá rất cao - Trần Thanh Phong |
Lợi nhuận cao
Sau nhiều năm bỏ trống đất do sản xuất kém hiệu quả, ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) quyết tâm tìm ra mô hình sản xuất phù hợp để làm giàu. Ông Tuấn đã đi nhiều nơi và học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chình ở một số tỉnh ven biển ĐBSCL. Sau 5 năm thử nghiệm, giờ đây ông đã thành công với mô hình nuôi cá chình thương phẩm, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. Theo kinh nghiệm của ông Tuấn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cá, ốc... Cá chình tăng trưởng khá nhanh, cá giống nặng khoảng 2 - 3 con/kg, sau 10 tháng thả nuôi đạt trọng lượng từ 4 - 6 kg/con. Đặc biệt, đến khi thu hoạch, thương lái sẽ đến tận ao cân cá với giá từ 450.000 - 550.000 đồng/kg.
Từ thành công của ông Huỳnh Văn Tuấn, hàng trăm hộ ở các xã Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Hòa, Vĩnh Lộc (H.Hồng Dân) bắt đầu nhân rộng mô hình,mang lại kết quả khả quan. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Hồng Dân, cho biết cá chình đang là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định, nhu cầu thị trường gần như quanh năm. Thêm vào đó, nhiều nơi ở H.Hồng Dân có nguồn nước lợ với độ mặn từ 3 - 4 ‰, rất thích hợp cho cá chình phát triển. Nuôi cá chình không chiếm nhiều diện tích mặt nước, nên những hộ ít đất sản xuất vẫn có thể áp dụng mô hình này. Ngoài ra, kỹ thuật nuôi cá chình tương đối đơn giản, người dân chỉ cần qua một lần tập huấn hoặc tham quan trực tiếp mô hình nuôi thử nghiệm là có thể áp dụng nuôi ngay trên đồng ruộng của mình. “Cái khó của người nuôi cá chình hiện nay là nguồn cá giống còn phụ thuộc vào tự nhiên. Nông dân thường rơi vào cảnh thiếu hụt con giống khi thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Hiếu nói.
Đầu ra sẽ ổn
Vừa qua, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân đã sang Hàn Quốc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ nguồn cá chình thương phẩm, bảo đảm đầu ra cho người dân. Ngày 23.9, ông Jun Yang Bok, Tổng giám đốc Công ty Seli Susan (Công ty chuyên nuôi và chế biến cá chình thương phẩm ở Hàn Quốc) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu để xúc tiến quy hoạch vùng nuôi cá chình công nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu công suất 1 tấn cá thành phẩm/ngày trên địa bàn H.Hồng Dân. Ngoài ra, công ty sẽ cung cấp nguồn cá giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình thương phẩm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo ông Jun Yang Bok, sau nhiều lần trực tiếp khảo sát một số địa phương có nuôi cá chình ở Việt Nam, ông đánh giá điều kiện tự nhiên của H.Hồng Dân rất phù hợp để đầu tư nuôi cá chình.
Thông tin trên là tín hiệu vui đối với người nuôi cá chình ở H.Hồng Dân. Từ đây, nông dân có thể an tâm sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)