TP.HCM: Việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp đã được suy nghĩ từ lâu

11/10/2013 15:25 GMT+7

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Thành Rum - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM nói công trình sẽ được đặt tên Võ Nguyên Giáp đã được suy nghĩ từ lâu và đó phải là công trình tầm vóc, bề thế.

(TNO) Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Thành Rum Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM nói công trình sẽ được đặt tên Võ Nguyên Giáp đã được suy nghĩ từ lâu và đó phải là công trình tầm vóc, bề thế.  

TP.HCM chọn công trình nào để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Xa lộ Hà Nội đoạn giữa đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) và đường Mai Chí Thọ (quận 2) với 10 làn xe - Ảnh: Đình Phú

Ông Rum cho biết: “Chúng tôi đã có ý thức từ lâu và đang suy nghĩ về việc chọn một công trình tầm cỡ để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm thể hiện được tình cảm của Đảng bộ và người dân thành phố đối với vị Đại tướng có công lao to lớn với dân tộc”.

“Công trình để chọn đặt tên có thể là đang xây dựng hoặc là sẽ xây dựng trong tương lai nhưng tầm vóc, quy mô phải bề thế. Chúng tôi cũng có suy nghĩ chọn một công viên lớn để đặt tên Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, ông Rum nói thêm.

Cụ thể về khả năng đặt tên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên địa bàn TP.HCM, ông Rum chia sẻ: “Cá nhân tôi nghĩ đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp giáp với đường Điện Biên Phủ, hay tiếp giáp với tên một đại tướng khác thì rất hay”.

Theo ông Rum, về quỹ đường hoặc công trình để đặt tên cho lãnh đạo cấp cao, thành phố đều có dự phòng, nhưng chi tiết và cụ thể thì “chưa công bố được”.

“Về việc đặt tên đường hay công trình cụ thể, chúng tôi sẽ xin ý kiến thành phố và Trung ương. Khi được đồng ý thì mới có thể khiển khai”, ông Rum nói.

Những lãnh đạo cấp cao vừa được đặt tên đường

Trước đó, vào cuối tháng 6.2012, HĐND TP.HCM khóa 8 đã thông qua tờ trình đặt tên đường đối với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Mai Chí Thọ và Giáo sư Trần Văn Giàu.

Theo đó tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đặt cho tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (vừa thông xe giai đoạn 1 vào tháng 9.2013), đoạn từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) - Nút giao thông Linh Xuân (Q.Thủ Đức).

Tên cố Đại tướng Mai Chí Thọ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an; nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM) được đặt cho tuyến đường mới phần phía đông dự án Đại lộ Đông - Tây (thuộc địa bàn Q.2) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 20.11.2011 và đoạn từ đường hầm sông Sài Gòn phía Q.2 đến xa lộ Hà Nội (nút giao Cát Lái).

Ngoài ra, tên cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ) đặt tên cho tuyến đường thuộc dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 và dự án Tỉnh lộ 10B thuộc H.Bình Chánh và Q.Bình Tân, đoạn từ đường Tên Lửa đến đường Võ Văn Vân và từ đường Võ Văn Vân đến giáp ranh tỉnh Long An.

Trước đó nữa, vào năm 2011, Đại lộ Đông Tây đoạn dài hơn 13 km tính từ nút giao quốc lộ 1A (H.Bình Chánh) tới cầu Calmet (Q.1) đã được mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Theo ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM Nguyễn Thành Rum, trên địa bàn thành phố hiện nay, có Xa lộ Hà Nội (đoạn qua địa bàn Q.2) là đáp ứng được yêu cầu để có thể đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.

Xa lộ Hà Nội tiếp giáp đường Điện Biên Phủ bằng cầu Sài Gòn 1 và 2; tiếp giáp với đường mang tên một đại tướng khác là cố Đại tướng Mai Chí Thọ tại nút giao Cát Lái.

Xa lộ Hà Nội (tên cũ là Xa lộ Biên Hòa) là con đường nối liền TP.HCM và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) dài đến 31 km, đi qua các địa bàn gồm các Q.2, 9 và Thủ Đức (TP.HCM); thị xã Dĩ An (Bình Dương) và TP.Biên Hòa.

12 giờ trưa 11.10, TP.HCM ngừng các hoạt động vui chơi

Theo thông báo của UBND TP.HCM về việc thực hiện lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đúng 12 giờ trưa 11.10, trên địa bàn TP.HCM ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng cho đến 12 giờ ngày 13.10.

Các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang treo cờ Tổ quốc theo nghi thức cờ rủ, có dải băng tang màu đen (chiều dài bằng chiều dài của lá cờ), băng vải đen buộc không để cờ bay và chỉ kéo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ; vị trí treo cờ rủ tại vị trí treo cờ hằng ngày.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 21 giờ ngày 12.10. Lễ truy điệu tổ chức lúc 7 giờ ngày 13.10 tại Hội trường Thống Nhất.

Đình Phú

>> Tầm nhìn hướng biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cả nước chính thức để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đề xuất đổi tên đường Bắc Sơn thành Võ Nguyên Giáp
>> Công an Bình Dương lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Quân dân miền Nam tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Dòng người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng chật kín và dài hơn
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp, con người làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.